Mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu Cần hành lang pháp lý minh bạch trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế Bộ Y tế hủy thầu 57 mặt hàng thuốc chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu

Mở rộng nhiều trường hợp được chỉ định thầu

Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Thời gian qua, việc thực thi Luật Đấu thầu đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Một số quy định của Luật chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công; quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, chưa ngăn chặn được tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu diễn biến phức tạp; một số quy định chưa bảo đảm thống nhất với các luật hiện hành khác như Luật Đất đai, Luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công…

Quy định về hình thức mua sắm trực tiếp, tự thực hiện cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm hạn chế tình trạng áp giá cao trong mua sắm trực tiếp; khắc phục tình trạng lạm dụng hình thức tự thực hiện để giao gói thầu cho các đơn vị trực thuộc chủ đầu tư thực hiện thay vì áp dụng đấu thầu rộng rãi.

Dự thảo Luật được trình UBTVQH xem xét đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

Trong đó, bao gồm việc công khai tất cả các thông tin trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín nhà thầu và chất lượng hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Về các trường hợp chỉ định thầu, Luật sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm (như: gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; gói thầu thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…). Trong đó, làm rõ, phân định cụ thể các trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu và điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; đẩy mạnh phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) đã có nhiều góp ý, kiến nghị về các nội dung cụ thể. Theo đó, về đấu thầu hạn chế, UBTCNS đề nghị làm rõ nội hàm “yêu cầu cao và tính đặc thù” để tránh tùy tiện và lạm dụng khi thực hiện.

Đối với chỉ định thầu, dự thảo Luật quy định 11 trường hợp chỉ định thầu. Theo UBTCNS, dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Do vậy, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với 4 trường hợp đặc thù gồm: Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; Các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.

Chỉ thẳng những nguyên nhân gây ách tắc đấu thầu

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải làm rõ được những nội dung, bất cập nào trong Luật đã làm việc đấu thầu ách tắc kéo dài lâu này, từ đó mới đưa ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. “Luật có lỗ hổng không, hổng ở đâu, sửa thế nào, phải chỉ thẳng ra!” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, đấu thầu là lĩnh vực có nguy cơ nhiều về tham nhũng, tiêu cực. Vậy phải xác định rõ tình trạng tiêu cực có phải do luật hay do khâu tổ chức thực hiện, nếu do luật thì sửa thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, nhiều bất cập trong đấu thầu không phải do Luật mà do khâu tổ chức thi hành, điều này cần phải phân biệt rõ khi sửa Luật.

Trong khi công tác đấu thầu hiện có nhiều bất cập như tình trạng ách tắc, tiêu cực, thông thầu, quân xanh, quân đỏ… thì những sửa đổi, bổ sung trong luật dường như chưa đi đúng hướng. Theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội, chính sách mới đưa ra còn ít, hầu hết sửa đổi, bổ sung chính sách cũ, rất nhiều nội dung giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thay vì được luật hóa cụ thể. Không luật hóa sẽ dẫn đến chậm trễ trong thi hành luật, tạo ra nhiều tầng nấc trung gian.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Một trong số hàng loạt các vấn đề được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát, làm rõ trong dự thảo Luật là nội dung chỉ định thầu. Dự thảo quy định theo hướng giảm đấu thầu, mở rộng các hình thức chỉ định thầu trong khi vốn đây chỉ là những trường hợp cụ thể, hãn hữu. Vậy cần phải làm rõ lý do vì sao, các trường hợp cụ thể thế nào, không thể để xảy ra sơ suất.

Đây cũng là vấn đề mà Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn. Tán thành ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, về nguyên tắc là phải hạn chế chỉ định thầu, chỉ khi thật sự cấp thiết mới chỉ định thầu. Nếu mở rộng các phạm vi được chỉ định thầu phải làm rõ nguyên tắc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, lẽ ra dự thảo phải quy định theo hướng ngược lại, chặt chẽ, thu hẹp hơn về chỉ định thầu, thay vì mở rộng ra rất nhiều so với hiện nay, đi ngược với chủ trương nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị chỉ nên chỉ định thầu trong một số trường hợp: quốc phòng an ninh, y tế khẩn cấp… như ý kiến của UBTCNS để đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, UBTCNS cho rằng, việc bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ thế nào là trường hợp đặc biệt, thế nào là đặc thù; đồng thời cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.