Mở rộng thị trường, cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ
Nguồn: Cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), hoạt động kinh tế đã khởi sắc trở lại, với kim ngạch xuất khẩu gần đây tăng trưởng đáng khích lệ. 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 180,23 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 67,3%. Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất với kim ngạch đạt 57,2 tỷ USD trong năm tháng đầu năm.

Các chuyên gia nhận định, đà tăng này chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp đẩy mạnh giao dịch trước thời điểm kết thúc thời gian hoãn áp thuế.

Điển hình, từ tháng 4/2025, sau khi chính quyền của Tổng thống Donal Trumd công bố kế hoạch áp mức thuế tạm thời 10% với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có thủy sản - ngành xuất khẩu đã nhanh chóng phản ứng. Các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng sang Hoa Kỳ trong tháng 4 và đầu tháng 5 nhằm tránh rủi ro bị áp thuế cao hơn sau ngày 9/7 - thời điểm kết thúc giai đoạn 90 ngày áp thuế tạm thời. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tháng 5 vẫn đạt gần 160 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Tương tự, Hoa Kỳ vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu dệt may, da giày Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may đã và đang tăng tốc xuất khẩu các đơn hàng theo hợp đồng sang Hoa Kỳ; đồng thời nỗ lực đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán chia sẻ rủi ro về mức thuế 10% hiện tại, cũng như các vấn đề về thuế sau thời hạn 90 ngày để điều tiết chi phí sản xuất sao cho hiệu quả nhất.

Đại diện Công ty cổ phần May Sông Hồng chia sẻ, trong giai đoạn hoãn thuế 90 ngày, May Sông Hồng đã nhận được yêu cầu từ khách hàng về việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tận dụng thời gian tạm hoãn. Khối lượng đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ của May Sông Hồng đã được đảm bảo đến tháng 7 - 8/2025. Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang Hoa Kỳ đạt 5,16 tỷ USD, tăng 17,2%.

Sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, các bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương) cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại đối ứng giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ mới đây của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Việt Nam xuất siêu gần 50 tỷ USD sang Hoa Kỳ

5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu hàng hóa sang Hoa Kỳ đạt 49,9 tỷ USD tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang châu Âu 16,3 tỷ USD, tăng 16%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,9 tỷ USD, tăng 74,8%.

Tại các cuộc gặp và làm việc giữa hai bên, Việt Nam khẳng định quyết tâm trong việc xây dựng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ; mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, vì lợi ích chung của người dân và doanh nghiệp hai nước. Về tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại đối ứng giữa hai nước, Việt Nam sẵn sàng mở cửa thị trường, dành thêm ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ có bước đi tương xứng.

Để góp phần thực hiện những cam kết thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại, Việt Nam đã tăng cường mua hàng hóa từ Hoa Kỳ. Mới đây, trong khuôn khổ chuyến công tác tới Hoa Kỳ của đoàn đại biểu Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cùng đại diện 50 cơ quan, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp nông nghiệp, thông qua chuỗi hoạt động kết nối thương mại nông sản, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hàng loạt Biên bản ghi nhớ (MOU) với tổng giá trị lên tới gần 3 tỷ USD thỏa thuận mua hàng hóa nông sản của Hoa Kỳ.

Đánh giá đây là kết quả vượt kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ và quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ (đặc biệt là hàng nông sản) nhằm góp phần tạo sự cân bằng và hài hòa hơn trong cán cân thương mại song phương.

Kết quả này thể hiện sự chủ động, quyết tâm tìm kiếm đối tác của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Các diễn đàn và các cuộc tiếp xúc với phía Hoa Kỳ đã tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp hai nước có thêm thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng, cũng như tình hình phát triển nông nghiệp, nông lâm thủy sản của mỗi bên. Qua đó, mở cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận, mở rộng thị trường, triển khai các dự án đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong thời gian tới.

Ngoài ra, Việt Nam luôn tạo điều kiện cho Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa. Kể từ ngày 1/4/2025, Việt Nam đã giảm thuế suất về 0% với hầu hết các mặt hàng ngô, đậu nành từ Hoa Kỳ; đồng thời đã duyệt toàn bộ 61 hồ sơ đăng ký giống cây trồng biến đổi gene của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Hiện có 509 doanh nghiệp sản xuất thịt, sản phẩm từ thịt và 232 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Hoa Kỳ đã được cấp phép vào thị trường Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu

Thời gian qua, Bộ Công thương đã chú trọng công tác thông tin thị trường nhằm kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bộ tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới thúc đẩy xuất khẩu sang đa dạng các thị trường mới, song song với các thị trường trọng điểm. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán các FTA mới và các FTA nâng cấp…

Nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 31/5/2025, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai kịp thời, linh hoạt các biện pháp phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đối với Bộ Công thương, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối, hội chợ nông sản, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế. Trong đó, cần phối hợp các hệ thống phân phối ưu tiên tiêu thụ nông sản tại địa phương vào vụ thu hoạch như sầu riêng, vải, nhãn, thanh long… Đây cũng là hoạt động được Bộ Công thương xác định là trọng tâm triển khai trong thời gian tới.

Để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu cả năm 2025 tăng 12% so với năm 2024, Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính Nguyễn Thị Hương cũng đề xuất, Chính phủ tập trung triển khai đẩy mạnh cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu.