Hội thảo

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NNK

Đó là thông tin được công bố tại Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 9/11/2016, tại Hà Nội.

Đây là lần thứ 6 điều tra về DNNVV được thực hiện đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thuộc cả khu vực chính thức và phi chính thức ở Việt Nam. Cuộc điều tra được tiến hành bao gồm hoạt động phỏng vấn trực tiếp được thực hiện trong các tháng 6, 7 và 8 năm 2015.

Đã có trên 2.600 DNNVV ngoài quốc doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.

Theo báo cáo của CIEM, DNNVV và khu vực tư nhân được đánh giá tiếp tục là một động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khu vực DNNVV đã đạt được mức tăng trưởng theo cấp số nhân trong hơn một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, nhiều khảo sát đã cho thấy, quá trình tăng trưởng này lại đang diễn ra trong điều kiện môi trường hạn chế nên thường dẫn đến việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả.

Theo TS. Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng CIEM, thực tế khảo sát cho thấy, tỷ lệ các DNNVV Việt Nam gặp phải những trở ngại lớn đối với sự phát triển vẫn còn cao.

Năm 2015, có tới 83% số DN được điều tra cho biết họ có gặp trở ngại trong kinh doanh, tỷ lệ tương đương so với điều tra năm 2013. Trong đó, những cản trở nhất đối với tăng trưởng của DN điều tra là thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính; hạn chế của cầu sản phẩm hiện tại; cạnh tranh quá lớn; thiếu đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

GS. John Rand (Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu) cho rằng, thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính vẫn tiếp tục được đánh giá là trở ngại lớn nhất đối với các DN. Tuy nhiên, so với các cuộc điều tra trước đây, tỷ lệ này đã giảm đi, từ 45% năm 2011 xuống 30% năm 2013 và 24% năm 2015.

Khó khăn về thiếu cầu về sản phẩm hiện tại là trở ngại lớn thứ hai theo đánh giá của các chủ doanh nghiệp và nhóm nghiên cứu cũng thấy có sự giảm đi về tỷ lệ các doanh nghiệp gặp khó khăn, từ 27% năm 2013 xuống còn 21% năm 2015.

Khó khăn thứ ba là áp lực cạnh tranh mà các DNNVV phải đối mặt, với 17% doanh nghiệp điều tra, tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ của các cuộc điều tra năm 2011 và 2013.

Những đặc tính môi trường kinh doanh này, theo GS. John Rand, dường như các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện chút ít nhưng thứ tự các khó khăn vẫn không có sự thay đổi.

Cùng với đó, theo GS. Finn Tarp, Giám đốc ĐH Liên Hiệp quốc, tại Việt Nam, gần 98% các DN trong khu vực chính thức ở năm 2013 vẫn tiếp tục ở lại khu vực này năm 2015 và chỉ một số lượng nhỏ các DN chuyển sang khu vực phi chính thức.môi trường kinh doanh của Việt Nam đang dần thay đổi tích cực hơn.

GS. Finn Tarp cũng đánh giá tổng thể, xét từ góc độ môi trường kinh doanh đối với DNNVV thì con tàu của chúng ta đi đang đúng hướng. Việc DN từ phi chính thức đang dần chính thức hóa, so với mặt bằng chung của thế giới, là rất tốt và cần tiếp tục được thúc đẩy./.

Khánh Linh