Thủ tướng chỉ đạo rà soát dự án treo, ôm đất bỏ hoang gây lãng phí đất đai Giao dự toán năm 2022 vẫn ưu tiên vốn dự án quan trọng quốc gia Ban hành kết luận thanh tra Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội TP. Hồ Chí Minh: Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án metro

Tiết kiệm kinh phí, vốn ngân sách 72.068 tỷ đồng

Trình bày báo cáo thẩm tra những nội dung Chính phủ trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thuý Chinh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với các kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác THTK, CLP và cho rằng, trong bối cảnh năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2,58%. Kinh tế vĩ mô ổn định, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước, vốn tại doanh nghiệp là 72.068 tỷ đồng. Một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng nêu một số ý kiến về những kết quả cụ thể trong THTK, CLP năm 2021.

Trong đó, ở lĩnh vực đầu tư công, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá năm 2021, Chính phủ đã chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn nhiều tồn tại, hạn chế từ việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước.

Cụ thể, trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên. Việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án chưa được thực hiện kịp thời, linh hoạt. Nhấn mạnh đây là tồn tại kéo dài nhiều năm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần kiên quyết xử lý dứt điểm.

Phiên họp sáng 25/4
Phiên họp của UBTVQH sáng 25/4

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương (NSTW) cho các dự án, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương diễn ra trong nhiều năm chưa được khắc phục, diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022: có 9 bộ và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết với tổng số vốn là 9.027,33 tỷ đồng; có 10 địa phương chưa phân bổ hểt với tổng số vốn là 13.536,325 tỷ đồng. Kết quả tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2021 chậm, trong đó có một số dự án đầu tư trọng điểm. Tuy nhiên, những tháng cuối năm tỷ lệ này lại tăng đột biến, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ phải báo cáo làm rõ về vấn đề này.

Bên cạnh đó, còn tình trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế dẫn đến trong năm 2021, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm số vốn được giao (năm 2021, có 7 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW trong nước, với tổng số vốn là 3.012,208 tỷ đồng. Đến ngày 7/10/2021, có 12 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTW với tổng số vốn là 22.001,572 tỷ đồng).

Có trường hợp địa phương được phân bổ vốn NSTW hỗ trợ cho các dự án chưa được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, phải đề nghị điều chỉnh, không bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công và nghị quyết của Quốc hội.

Nhiều dự án đường sắt đô thị chậm trễ đã 14 - 15 năm

Việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ở một số bộ, ngành, địa phương cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc giao kế hoạch vốn hàng năm chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án dở dang; chưa phân khai cụ thể cơ cấu nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; bố trí cho một số dự án chưa phù hợp với kế hoạch trung hạn; phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, không đúng thẩm quyền.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trích báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương, được phê duyệt năm 2010, đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA mới đạt 2,5%, vốn đối ứng đạt 2,09%. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, được phê duyệt năm 2007 đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 48,4%, vốn đối ứng đạt 39,2%.

Dự án tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, đến nay lũy kế giải ngân vốn đạt 47,4% tổng mức đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8/2021 đạt 974 tỷ đồng.

Từ những đánh giá này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quyết liệt đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng chậm triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; có chế tài xử lý các trường hợp chậm giải ngân, chậm triển khai các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng các các dự án quan trọng quốc gia.

Đồng thời, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các "nút thắt, điểm nghẽn" chưa có quy định chi tiết, hoặc chưa hướng dẫn cụ thể như pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, đất đai…