Mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc sắp thành hiện thực

Thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: Minh Hoàn.

Chạy đua về đích sớm vượt tiến độ 3-6 tháng

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo kế hoạch, 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ rút ngắn thời gian thi công từ 3 - 6 tháng gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng; Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong; Vân Phong - Nha Trang.

Được khởi công tháng 1/2023, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong với tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025, theo báo cáo của Ban Điều hành dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Ban Quản lý dự án 7), đến nay, các nhà thầu tại dự án đã huy động trên công trường 45 mũi thi công các hạng mục, với hơn 1.800 nhân lực cùng gần 740 máy móc thiết bị, luỹ kế sản lượng đến nay hơn 4.000 tỷ đồng, tiến độ dự án đạt gần 60%, đảm bảo yêu cầu kế hoạch đề ra.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi và mặt bằng được bàn giao 100%, nhà thầu đẩy nhanh thi công nhanh các hạng mục, tăng cường huy động máy móc, nhân lực trên tuyến tương xứng với khối lượng công việc nhằm đảm bảo thời gian về đích sớm vào tháng 9/2025.

Còn tại Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, ông Lê Quốc Dũng -quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 khẳng định, Ban và nhà thầu cam kết tăng tốc tiến độ, công tác tổ chức, giải pháp thi công của nhà thầu sẽ được kiểm soát chặt, đưa dự án cán đích vào tháng 4/2025, sớm 6 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tiến độ thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn do Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hiện nhà thầu thi công là Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai 50 mũi, huy động hơn 4.000 nhân sự, hơn 1.750 máy móc thiết bị đến công trường. Cả 3 gói thầu (XL1, XL2, XL3) đều tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”. Riêng các hạng mục hầm, nhà thầu thi công liên tục 24/24 giờ; các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc trên công trường liên tục không ngừng nghỉ. Hiện nay, sản lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 5.600 tỷ đồng, tương đương 41,6% tổng khối lượng hợp đồng; dự kiến sản lượng lũy kế hết năm 2024 đạt khoảng 61% tổng khối lượng hợp đồng. Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 8/2024 sản lượng đạt khoảng 55 - 56%, bám sát tiến độ điều chỉnh. Hiện trên toàn dự án có hơn 70 mũi thi công với tổng số hơn 1.500 cán bộ, công nhân. Mục tiêu đến cuối năm 2024, sản lượng thi công dự án tăng lên 75 - 80%, đáp ứng yêu cầu thông xe chính tuyến vào tháng 4/2025.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sau 19 tháng thi công sản lượng đạt 37% giá trị hợp đồng. Với sự chỉ đạo, quan tâm sát sao từ lãnh đạo Chính phủ, vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, đến nay nguồn cát đã cơ bản được giải quyết nên tiến độ đang tăng tốc.

Thi công 3 ca, 4 kíp, chỉ bàn làm, không bàn lùi

Theo ông Lê Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, chủ đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự báo mùa mưa, bão khu vực miền Trung năm nay diễn biến phức tạp, vì vậy, đơn vị đã sớm chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu tập trung giải quyết phần công trình dưới nước như cầu, nền đường, khu vực đắp đất sau mố cầu, cống, các đoạn đào sâu, đắp cao.

Theo báo cáo của Bộ GTVT đến nay, tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước đạt 2.021km. tính riêng trong 3 năm trở lại đây, ngành GTVT và các địa phương đã hoàn thành và đưa vào khai thác 858km cao tốc, bằng hơn 2/3 tổng số kilomet cao tốc đã triển khai trong gần 20 năm trước (khoảng 1.163km). Hiện tại, Bộ GTVT đang triển khai thi công khoảng 1.700km, trong đó 1.104km có kế hoạch hoàn thành năm 2025, khoảng 68km hoàn thành năm 2026 nhưng có thể rút ngắn và hoàn thành năm 2025.

Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án rà soát kỹ lưỡng tình hình thực tế triển khai của các dự án, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, huy động bổ sung nhân lực, máy móc, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện một số dự án có các điều kiện thuận lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, đợt cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc" mà Thủ tướng Chính phủ phát động chính là nguồn cổ vũ và động lực lớn lao đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động toàn ngành GTVT. Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu, đội ngũ kỹ sư, công nhân, người lao động ngày đêm bám trụ trên các công trường dự án, tiếp tục duy trì và phát huy khí thế, quyết tâm cao nhất, tiến độ phải khẩn trương, gấp rút. Thi công công trình phải cân đo, tính toán thời gian theo từng ngày, tập trung cao độ, nỗ lực thi đua, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần ‘chỉ bàn làm, không bàn lùi’, quyết tâm hoàn thành đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc trước 31/12/2025.

Không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng

Tại các cuộc họp giao ban, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GTVT đều quán triệt tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng. Trong đó, chủ đầu tư, tư vấn giám sát được yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong mọi khâu; phải luôn xác định chất lượng là yếu tố sống còn.