Chú thích ảnh
Các giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ.

Dẫn số liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), đài truyền hình CNBC ngày 28/9 cho biết giá trị cổ phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu quỹ tương hỗ của người Mỹ đã giảm từ mức cao nhất trong tháng 1 là 42.000 tỷ USD xuống còn 33.000 tỷ USD vào ngày 30/6.

Tuy nhiên, với giá trị cổ phiếu tiếp tục sụt giảm kể từ tháng 7, các chuyên gia dự đoán tổng số thiệt hại mà các nhà đầu tư phải gánh chịu dao độn từ 9.500 tỷ USD đến 10.000 tỷ USD.

Để so sánh, 10.000 tỷ USD tương đương 43% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ, và lớn hơn so với nền kinh tế của mọi quốc gia trên hành tinh, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.

Mark Zandi, chuyên gia kinh tế của Moody’s Analytics, nhận định khối tài sản bị mất có tác động đáng kể đối với chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.

Theo một báo cáo của tổ chức tài chính Oxfam, tài sản của 10 nhà tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi trong hơn hai năm xảy ra đại dịch COVID-19, trong khi danh sách tỷ phú đã thêm 573 người mới. Cùng lúc đó, 160 triệu người khác bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực.

Oxfam cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có 263 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, với tỷ lệ một triệu người cứ sau 33 giờ, do lạm phát tăng cao làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt”.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, chỉ số chứng khoán đóng chỉ số chuẩn cho sàn NYSE, đã mất gần 1/5 giá trị kể từ mức cao nhất vào ngày 4/1. Trong khi đó, theo một báo cáo của Bộ Thương mại công bố hồi tháng 7, trong 2 quý liên tiếp, Mỹ chứng kiến tăng trưởng kinh tế âm.

Bản tóm tắt các dự báo kinh tế của FED tuần trước cho thấy tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ​​tăng từ 3,7% hiện tại lên 4,4% vào năm tới, trong khi tăng trưởng GDP của Mỹ được dự báo chỉ là 0,2% vào năm 2022.