lh

ảnh minh họa

Ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí 346 tỷ đồng tăng lương

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã thống nhất với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất thực hiện phương án điều chỉnh đối với đối tượng có mức lương hưu thấp trước tháng 4/1993; tổng số kinh phí tăng thêm trong năm 2016 khoảng 346 tỷ đồng và do NSNN đảm bảo, trong đó:

Điều chỉnh tăng tối đa 250 nghìn đồng/ tháng đối với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993, mức hưởng sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/ tháng.

Số người hưởng lương hưu này là 433 người, tổng kinh phí thực hiện khoảng 0,5 tỷ đồng.

Điều chỉnh tăng tối đa 150 nghìn đồng/ tháng đối với người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/ tháng, mức hưởng sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/ tháng.

Số người hưởng trợ cấp này vào khoảng gần 213 nghìn người, tổng kinh phí thực hiện 345,5 tỷ đồng.

Theo giải thích của Bộ Tài chính, mức lương khi nghỉ hưu đối với những người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 thấp hơn so mức lương nghỉ hưu của thế hệ sau do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là chính sách thăng quân hàm, chính sách tiền lương của nhà nước giữa các thời kỳ.

Thực tế cho thấy, thời gian điều chỉnh một bậc lương trước đây thường hơn 5 năm, nhiều trường hợp trên 10 năm do chiến tranh; còn từ năm 1993 đến nay thường là 3 năm, ngoài ra Nhà nước còn ban hành chính sách nâng lương trước hạn; chính sách thi ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp trên mức lương của cán bộ, công chức tăng nhanh hơn trước đó.

Vì sao chỉ tăng lương cho người nghỉ hưu trước tháng 3/1993

Với đề xuất tăng lương cho các đối tượng nghỉ hưu đã được Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ qua 2 phương án: theo đó, với phương án 1, chỉ tăng lương cho người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 và phương án 2 là tăng lương cho người nghỉ hưu cả trước và sau tháng 4/1993, tuy nhiên Bộ Tài chính đồng tình với phương án 1, lý do được Bộ Tài chính giải thích đó là:

Từ năm 2016, sẽ có nhiều người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn 2 triệu đồng/ tháng.

Như vậy, nhiều người có mức lương hưu còn thấp hơn mức lương cơ sở; do đó, nếu thực hiện điều chỉnh cho cả người nghỉ hưu sau tháng 4/1993 thì sẽ phải liên tục điều chỉnh đối với những người có mức lương thấp, kể cả đối tượng nghỉ hưu từ năm 2016 trở đi có mức lương thấp.

Trong khi theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), từ năm 2016, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hằng tháng đóng bằng 22% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng bằng 22% mức thu nhập tháng, thâṕ nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

“Do đó, nếu chọn mức thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở, thì lương hưu sẽ thấp hơn mức lương này, vì chỉ hưởng tối đa bằng 75% mức đóng, và sẽ phát sinh nhiều đối tượng có lương hưu thấp phải điều chỉnh.” Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Hoàng Minh