Đây là chủ đề chính được tập trung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu: hậu quả và giải pháp” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội.

Thiệt hại lớn

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, hiện nay có hai hình thức gian lận thương mại phổ biến mà các cơ sở kinh doanh tôn giả, tôn nhái sử dụng để lừa NTD, kiếm lời bất chính. Thứ nhất, gian lận về độ dày tấm tôn hay còn gọi là “đôn dem”, tức là độ dày thực tế của tấm tôn thấp hơn so với độ dày mà nhà sản xuất công bố, được thể hiện ở dòng in trên bề mặt tấm tôn. Thứ hai, tôn kém chất lượng, tức là chất lượng của tôn bao gồm các thông số kỹ thuật như độ dày sơn, chất lượng mạ, chất lượng sơn… không đảm bảo.

Ngoài hai hình thức trên, theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hình thức gian lận nghiêm trọng khác cũng đang diễn ra là rất nhiều cơ sở nhập tôn Trung Quốc kém chất lượng với giá rẻ, sau đó in nhãn mác, thương hiệu của các DN có uy tín của Việt Nam để tiêu thụ, hoặc các DN không xuất hóa đơn khi bán hàng… Những hình thức gian lận đó đang ngày càng gia tăng, khó kiểm soát khiến thị trường tôn thép luôn trong tình trạng “vàng, thau” lẫn lộn.

Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong năm 2014 và 9 tháng năm 2015, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 1.850 vụ, xử lý vi phạm gần 900 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sưa cho biết, vấn nạn tôn giả, tôn kém chất lượng ảnh hưởng đến nhiều phía như NTD, các DN sản xuất kinh doanh chân chính, ngành tôn thép trong nước và ở tầm vĩ mô là cả nền kinh tế.

Đối với DN, từ góc độ nhà sản xuất, ông Vũ Văn Thanh cho biết, tôn gian, tôn kém chất lượng dễ dàng “hút” NTD bằng giá cả thấp hơn so với hàng chính hãng, dẫn đến việc DN bị mất thị phần tiêu thụ.

Theo tính toán của Tập đoàn Hoa Sen, 10 tháng năm 2015, thị phần của các DN trong nước đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2014 (chiếm 43%). Uớc tính tổng sản lượng tiêu thụ nội địa năm 2015 là hơn 2,5 triệu tấn, thì với việc thị phần suy giảm 20% (tương đương hơn 500 nghìn tấn), các DN trong nước sẽ bị tổn thất hơn 9.350 tỷ đồng (áp dụng mức giá 18 triệu đồng/tấn đối với hàng tôn màu nói chung).

“Tình trạng này nếu không được kiểm soát và ngăn chặn sẽ làm vẩn đục môi trường kinh doanh, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Điều đó sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các DN chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm sự tăng trưởng của cả ngành công nghiệp tôn thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế”, ông Thanh nhấn mạnh.

Tôn giả
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội thảo

Đối với NTD, tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng không chỉ “móc túi” NTD, mà nghiêm trọng hơn, chất lượng các công trình xây dựng được làm từ tôn, thép giả bị ảnh hưởng, gây tổn thất về kinh tế, thậm chí đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của người sử dụng.

Cần “lực đẩy” từ nhiều phía

Trước thực trạng tôn giả, tôn nhái kém chất lượng ngày càng nhức nhối, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, cần có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ của nhiều phía từ cơ quan quản lý, DN và NTD để đẩy lùi tình trạng này.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần siết chặt khâu nhập khẩu để ngăn chặn các sản phẩm tôn, thép kém chất lượng đang nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc kiểm tra, rà soát chất lượng sản xuất tôn của các DN trong nước. Đặc biệt, có chế tài mạnh, xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh gian lận, kiếm lời bất chính.

Về phía DN, cần chủ động tiếp cận NTD, tư vấn cho NTD để họ hiểu rõ hơn về sản phẩm của DN và phổ biến cho NTD cách phân biệt giữa sản phẩm tôn, thép giả và tôn, thép chính hiệu…

Từ góc độ tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas cho rằng, NTD nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm khi có nhu cầu sử dụng và tìm mua sản phẩm tại những cửa hàng, đại lý uy tín của nhà sản xuất. Đặc biệt, khi phát hiện hoặc nghi ngờ những cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng NTD cần phản ánh đến các cơ quan chức năng để các cơ quan chức năng kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) ông Kiều Dương cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo khuyến nghị của ông Dương, các DN cần cung cấp cho cơ quan chức năng dấu hiệu phân biệt hàng thật – hàng giả sản phẩm của DN, tiêu chuẩn kỹ thuật của DN áp dụng, quy cách của sản phẩm… Các dấu hiệu này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm./.

Bài và ảnh: Thiện Trần