son la

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khảo sát khu nuôi cá tầm trên đập thủy điện Sơn La.

Niềm tin tiếp tục được củng cố

Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới từ năm 2008 để lại hậu quả nặng nề hơn mức dự báo. Do đó, bước sang đầu năm 2011, đất nước ta đã bắt đầu gặp phải những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chính sách, khởi đầu là Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ (24/2/2011) đã chuyển trọng tâm chính sách sang tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an sinh xã hội. Cho đến nay, chúng ta phải khẳng định những điều chỉnh đó của Đảng và Nhà nước ta là cần thiết, đúng hướng và tạo tiền đề cho đất nước từng bước vượt qua khủng hoảng.

Nhìn một cách thật công bằng, thì Chính phủ đã triển khai khá toàn diện tái cơ cấu nền kinh tế và đã đạt được kết quả bước đầu, nhất là trong việc xây dựng khung khổ, thể chế cho quá trình tái cơ cấu. Theo đánh giá của tôi, thì có thể coi đây là một trong ba thành tích mà chúng ta đạt được trong năm 2013, bên cạnh thành tích về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và những thành tích về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo.
GS Vuong dinh hue
GS.,TS. Vương Đình Huệ

Trong 3 năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức nỗ lực điều hành nền kinh tế, mặc dù một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tuy không đạt, nhưng so với mục tiêu mà chúng ta điều chỉnh theo Kết luận 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 59 của Quốc hội, Nghị quyết Hội nghị Trung ương ba thì chúng ta đã đạt được những thành tích căn bản, tích cực, rất đúng hướng.

Những kết quả đó có thể nhìn nhận ở ba điểm then chốt là chúng ta đã ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Năm 2013 đã khép lại bằng những kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tiếp tục đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khu vực, GDP tăng 5,42% so với năm 2012, lạm phát được kiểm soát, CPI cả năm tăng 6,04%, là năm có chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây... Kết quả này tạo điều kiện quyết định chúng ta thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gai đoạn 2011-2015 mà Đảng ta đã đề ra.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, nếu không có chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa và tiền tệ đúng hướng thì khó có thể đạt được kết quả như vậy, nhất là trong điều kiện Việt Nam chịu rất nhiều tác động về vấn đề lạm phát, cả về cầu kéo cũng như việc một số mặt hàng chiến lược và một số dịch vụ công cơ bản trước đây neo ở mức giá thấp, bây giờ tiến tới phải theo nguyên tắc thị trường...

Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể chế kinh tế, hệ thống các cơ chế, chính sách kinh tế- tài chính tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế. Các cân đối kinh tế - tài chính vĩ mô được duy trì ổn định; việc động viên, phân bổ các nguồn lực tài chính tiếp tục có những chuyển biến tích cực; dự trữ nhà nước được tăng cường; tiềm lực và sức mạnh của nền tài chính quốc gia ngày càng vững chắc hơn nhờ những quyết sách về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cùng với đó, mức sống và chất lượng cuộc sống của đại đa số nhân dân ngày một nâng cao, nghèo đói đang được đẩy lùi, đời sống nông thôn và đô thị được cải thiện, hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội ngày càng phát triển; niềm tin của người dân, doanh nghiệp được tăng cường.

Có thể nói chìa khóa thành công trong năm 2013 là tính kiên định và sự thực thi quyết liệt các mục tiêu, định hướng do Đảng ta đề ra. Đây là điểm tựa quan trọng cho kinh tế Việt Nam năm 2014 và những năm tiếp theo.

Tái cấu trúc nền kinh tế đạt được những thành quả quan trọng bước đầu

Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (tháng 10/2011) đã xác định vừa tái cấu trúc nền kinh tế một cách tổng thể, vừa xác định khâu trọng tâm đột phá, tái cơ cấu về đầu tư công, tái cơ cấu về hệ thống tài chính ngân hàng, tái cấu trúc về doanh nghiệp nhà nước....

Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phê duyệt các đề án liên quan đến tái cấu trúc. Đối với tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đã thực hiện những giải pháp mang tính đột phá theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Đối với cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, đã ban hành các chính sách đảm bảo hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước ổn định, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đẩy lùi.

Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách... Trong năm 2013, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đang triển khai đề án này một cách khẩn trương.

Tôi cho rằng, nhìn một cách thật công bằng, thì Chính phủ đã triển khai khá toàn diện tái cơ cấu nền kinh tế và đã đạt được kết quả bước đầu, nhất là trong việc xây dựng khung khổ, thể chế cho quá trình tái cơ cấu. Theo đánh giá của tôi, thì có thể coi đây là một trong ba thành tích mà chúng ta đạt được trong năm 2013, bên cạnh thành tích về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và những thành tích về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo.

2014 sẽ là năm có hàng loạt cơ chế, chính sách mới được xây dựng cùng nhiều chính sách đã ban hành sẽ vượt qua độ trễ để phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Bên cạnh những thành quả quan trọng đã đạt được, thì những thách thức đặt ra cho năm 2014 và những năm tiếp theo cũng được nhìn nhận khá rõ nét, nhất là khía cạnh chất lượng tăng trưởng còn nhiều bất cập.

Nếu tư duy và cách thức sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là trong khu vực đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước không được cải thiện thì thành công sẽ khó đến. Do vậy, việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách cần phải gắn kết với mục tiêu hiện thực hóa định hướng tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế có ý nghĩa then chốt, đặc biệt trong tác động lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp, thị trường.

Mục tiêu tổng quát đặt ra trong 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm, trước mắt năm 2014 là khá nặng nề. Những thành tích chúng ta đạt được về kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm qua cho phép chúng ta có một số điều chỉnh của 2 năm còn lại. Đó là, tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và chuyển từ nội hàm kiềm chế lạm phát thành kiểm soát lạm phát.

Đây hoàn toàn không phải là chơi chữ mà là sự chuyển đổi mục tiêu. Chúng ta chuyển xử lý vấn đề lạm phát từ bị động sang chủ động. Trước đây, ta đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát có nghĩa phải ép lạm phát xuống, còn kiểm soát lạm phát thì phải có mục tiêu. Mục tiêu cho năm 2014 là kiểm soát lạm phát ở mức dưới 7% - ở đây đã có sự tính toán hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu lạm phát, chuyển từ thế bị động sang chủ động hơn.../.

PV (Lược ghi)