Tỷ giá USD/VND tiếp tục đà tăng

Trên thị trường ngoại hối trong nước, báo cáo của SSI Research cho thấy, tuần qua, diễn biến tỷ giá USD/VND tăng, tương đồng với xu hướng của các đồng tiền trong khu vực.

Tỷ giá liên ngân hàng kết tuần ở vùng 24.540 VND, tăng gần 90 đồng so với tuần kế trước và vượt mốc 24.600 VND trong phiên giao dịch đầu tuần. Tỷ giá niêm yết của VCB đóng cửa ở mức cao nhất tuần, đạt 24.330 - 24.700 VND (mua vào - bán ra), tăng 70 đồng và tiếp tục tăng thêm 40 đồng trong đầu tuần này. Tỷ giá tự do có phần nào ổn định hơn, giao dịch trong vùng 24.600 - 24.700 VND.

Tỷ giá USD/VND hiện tăng 3,8% so với cuối năm 2022 - nằm ở mức biến động cho phép và thông điệp từ NHNN đưa ra là sẽ điều hành tỷ giá một cách ổn định nhưng không đồng nghĩa với việc không có biến động.

Theo các chuyên gia của SSI Research, tỷ giá USD/VND đang tiến đến mức đỉnh ghi nhận vào cuối năm ngoái mặc dù cung, cầu ngoại tệ không có nhiều áp lực và biến động trên thị trường tự do cũng cho thấy nhu cầu tiền USD từ cá nhân trong nước không có sự đột biến. Trạng thái ngoại tệ trên hệ thống không quá bất lợi, và tỷ giá bán trên Sở Giao dịch NHNN đang được niêm yết ở 25.244 VND - cho thấy NHNN sẽ chưa tìm đến kênh dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường.

“Tỷ giá USD/VND hiện tăng 3,8% so với cuối năm 2022 - nằm ở mức biến động cho phép và thông điệp từ NHNN đưa ra là sẽ điều hành tỷ giá một cách ổn định nhưng không đồng nghĩa với việc không có biến động” – SSI Research cho hay.

Ngân hàng Nhà nước chưa tìm đến kênh dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá

Trong khi đó, trên thị trường ngoại hối thế giới, tuần qua, tâm điểm tập trung vào dữ liệu về doanh thu bán lẻ tại thị trường Mỹ và bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Trong đó, dữ liệu kinh tế vẫn tiếp tục thể hiện đà tăng trưởng tích cực khi doanh thu bán lẻ toàn phẩn và cơ bản trong tháng 9 lần lượt tăng 0,7% và 0,6% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 0,8% và 0,9% của tháng trước đó, đồng thời cùng mạnh hơn so với mức tăng 0,3% và 0,2% theo dự báo.

Đối với bài phát biểu của Chủ tịch FED, thông điệp đưa ra nghiêng nhiều hơn về việc sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn nhằm đưa lạm phát về mốc mục tiêu. Biến động lớn khác đến từ thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên kể từ năm 2007 đã quay lại mốc 5%, trong khi nguồn cung trái phiếu trên thị trường dư thừa khi FED tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán, mức thâm hụt ngân sách kỉ lục hay trạng thái bán khống vị thế từ các quỹ đầu tư.

Sau khi các thông tin được công bố, CME Group dự báo có 98% khả năng FED giữ lãi suất cơ sở đi ngang trong cuộc họp tháng 11 và tỷ lệ này là 75% trong cuộc họp tháng 12.

Tính tới cuối tuần qua, đồng USD tiếp tục duy trì được sức mạnh của mình và chỉ số DXY đóng cửa ở 106,2 điểm, giảm nhẹ 0,5% so với tuần trước nhưng tăng 2,6% so với cuối năm 2022.

Ngoại trừ EUR (+0,8%) và GBP (+0,17%) nhờ phát biểu có phần nào “diều hâu” từ ECB hay dữ liệu lạm phát cao ở Anh, các đồng tiền trong khu vực châu Á và mới nổi đều giảm giá so với USD như THB -0,67%, JPY -0,19%, KRW -0,21% hay CNY -0,13%.

Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ

Theo thông tin từ SSI Research, NHNN tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu xuyên suốt tuần trước, với tổng khối lượng phát hành là 55,9 nghìn tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày, với phương thức đấu thầu là cạnh tranh lãi suất. Khối lượng trúng thầu có xu hướng giảm trong tuần và ngược lại, lãi suất trúng thầu có xu hướng tăng và kết tuần ở 1,45% (tăng 45 điểm cơ bản so với cuối tuần trước).

Ngân hàng Nhà nước chưa tìm đến kênh dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá
Khối lượng trúng thầu giảm trên kênh tín phiếu nghiêng nhiều về khả năng nhu cầu yếu dần từ các ngân hàng thương mại cho kỳ hạn 28 ngày, nhằm chuẩn bị cho nguồn vốn vào cuối năm hơn là đến từ việc thanh khoản hệ thống căng thẳng.

Với 20 nghìn tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua, tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành đạt 241,6 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ từ mức đỉnh 255 nghìn tỷ đồng ghi nhận vào phiên giao dịch ngày 18/10. Trong tuần này sẽ ghi nhận thêm 73,8 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã nhích tăng dần và kết tuần ở 1,5% đối với kỳ hạn qua đêm, tăng 120 điểm cơ bản so với cuối tuần trước.

Khối lượng trúng thầu giảm trên kênh tín phiếu nghiêng nhiều về khả năng nhu cầu yếu dần từ các ngân hàng thương mại cho kỳ hạn 28 ngày nhằm chuẩn bị cho nguồn vốn vào cuối năm hơn là đến từ việc thanh khoản hệ thống căng thẳng, khi tín dụng chưa có sự phục hồi (tăng trưởng tín dụng tính đến 11/10 đạt 6,2% so với cuối năm 2022 - giảm từ mức 6,9% vào cuối tháng 9) và thấp hơn nhiều so với năm 2022 (11,2%)./.