Tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đối với 4 dự án thành phần trong dự án cao tốc Bắc - Nam yêu cầu hoàn thành năm nay, sản lượng trung bình hiện đã đạt 57,6% giá trị hợp đồng. Cụ thể, đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 sản lượng đạt 62,3%, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Đoạn Cam Lộ - La Sơn sản lượng đạt 86%, chậm khoảng 1,3% so với kế hoạch, chủ yếu do nhà thầu thi công chậm và thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến thi công bê tông nhựa. Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết sản lượng đạt 38,4%, chậm khoảng 1,9% so với kế hoạch cam kết, do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp, mới được giải quyết dứt điểm ngày 20/5 vừa qua và ảnh hưởng mùa mưa đến sớm, nhà thầu chưa quyết liệt tập trung thi công bù lại tiến độ.

Dự án Phan Thiết - Dầu Giây sản lượng chậm khoảng 0,9% so với kế hoạch (hiện khối lượng tiến độ đạt 45%) chủ yếu do ảnh hưởng của mùa mưa đến sớm, khối lượng chậm tiến độ là không nhiều. Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tăng cường các mũi thi công và tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh các hạng mục nền đường, móng mặt đường, bê tông nhựa... để hoàn thành dự án đúng kế hoạch vào năm 2022.

Về 4 dự án hoàn thành năm 2023 (quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2) sản lượng trung bình đạt 36,5% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch yêu cầu.

Dự án Mai Sơn Quốc lộ 45 sản lượng đạt 62,3%, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Ảnh: HOÀNG LONG
Dự án Mai Sơn Quốc lộ 45 sản lượng đạt 62,3%, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Ảnh: Hoàng Long

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, 4 dự án gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, với tổng chiều dài 361 km, dứt khoát phải hoàn thành trong năm nay. Vì vậy, các nhà đầu tư, nhà thầu phải nắm bắt tình hình từng ngày, từng giờ, tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm 3 ca, 4 ca... thì mới có thể đưa 4 dự án cao tốc này về đích đúng hẹn. Khó khăn ở đâu, ban điều hành dự án phải cùng nhà thầu giải quyết.

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đến tháng 5/2022, tiến độ triển khai cơ bản bám sát như công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương 576/729 km (đạt khoảng 79%), dự kiến đến 30/5/2022 sẽ bàn giao thêm 106 km, hoàn thành 682,4/729 km (đạt 94%), các đoạn còn lại sẽ hoàn thành toàn bộ trước 30/6/2022.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần đặc biệt chú trọng thủ tục chuyển đổi đất rừng, đánh giá tác động môi trường, bàn giao hồ sơ mặt bằng cho địa phương.

Bàn giao rồi không phải đã xong mà phải cử cán bộ theo dõi xem địa phương đã hành động, đo đạc chưa; mỏ đất, mỏ vật liệu và bãi thải không được lặp lại giai đoạn 1. Các điều kiện phải được thực hiện đảm bảo hiệu quả cao nhất để đáp ứng mốc thời gian phê duyệt dự án trước ngày 30/6 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn 2021 - 2025

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021-2025; khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục khởi công các dự án đã giao kế hoạch năm 2020.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để đảm bảo phân bổ hết kế hoạch năm 2022, Bộ trưởng GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện với các dự án khởi công mới đã giao kế hoạch vốn trong năm nay phải đẩy nhanh thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công dự án; xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết tương ứng với các mốc tiến độ thực hiện cho từng công tác, hạng mục chi phí (giải phóng mặt bằng, xây lắp, tư vấn...) và phải đảm bảo giải ngân hết kế hoạch năm 2022 được giao.

Các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án đầu tư cần rà soát lập lại tiến độ đảm bảo tính khả thi, đảm bảo chất lượng hồ sơ và phải có đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật; tập trung phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc (như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đánh giá tác động môi trường; mỏ vật liệu, bãi thải...) phấn đấu hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 30/6/2022.

Các dự án chưa được phê duyệt hoặc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư cần tập trung chỉ đạo, xử lý tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo Bộ GTVT những vấn đề vượt thẩm quyền và đề xuất giải pháp xử lý.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, hiện đã có 48/64 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, còn lại 16 dự án. Đến nay, 14/48 dự án đã được phê duyệt, còn lại 34 dự án dự kiến phê duyệt trước ngày 30/6/2022.

Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án qua 4 đợt, với tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo kế hoạch các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đăng ký, trong tháng 6/2022, Bộ GTVT phải giải ngân khoảng 3.950 tỷ đồng; lũy kế tới hết tháng 6/2022 giải ngân 19.030 tỷ đồng, đạt khoảng 37,9% kế hoạch Thủ tướng giao và 44% kế hoạch Bộ trưởng GTVT giao.