13/13 dự án đã được khởi công và hoàn thành 8/8 dự án
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong 10 tháng năm 2022, Bộ GTVT đã khởi công 13 dự án đã và hoàn thành 8/8 dự án, đáp ứng 100% kế hoạch. Riêng tháng 10/2022, 2 dự án đã được khởi công, gồm: Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng quốc lộ (QL) 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL12A; Dự án cải tạo, nâng cấp QL2C đoạn Km217+150 - Km247+100, tỉnh Tuyên Quang. Theo kế hoạch, 2 tháng cuối năm 2022, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án (QLDA) sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công 5 dự án, hoàn thành 16 dự án. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt để khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành, thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Cam Lộ - La Sơn; Mai Sơn - QL45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ thông xe cuối năm 2022. Ảnh: Tuấn Việt |
Cũng theo Bộ GTVT, đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến nay, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương đầu tư 58/66 dự án. 8 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong số 58 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay, 30 dự án đã được phê duyệt đầu tư. Còn lại 28 dự án các chủ đầu tư đã lập kế hoạch điều chỉnh tiến độ trình phê duyệt dự án, gồm: 19 dự án dự kiến được phê duyệt trong 2 tháng cuối năm 2022 (Bộ GTVT phê duyệt 12 dự án; Cục Quản lý công nghệ, Trung tâm công nghệ thông tin phê duyệt 6 dự án; Bộ GTVT và địa phương cùng phê duyệt các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).
9 dự án dự kiến được phê duyệt đầu tư trong năm 2023. Trong đó có 5 dự án Bộ GTVT sẽ phê duyệt; Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt 1 dự án; địa phương phê duyệt 2 dự án (Cao Lãnh - An Hữu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); Bộ GTVT và địa phương cùng phê duyệt các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, bám sát tiến độ phê duyệt theo kế hoạch, tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng; đất lúa, báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách,…
Giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021
Bộ GTVT cho biết thêm, tính đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, số vốn ODA đã giải ngân được 2.991 tỷ đồng (đạt 61,3%), vốn trong nước giải ngân được 27.143 tỷ đồng, đạt 59,7% kế hoạch. Kết quả giải ngân hết tháng 10/2022 của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước, nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%). Từ nay tới cuối năm, số vốn Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%).
Trong đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 cần giải ngân hơn 6.500 tỷ đồng (chủ yếu cho công tác giải phóng mặt bằng); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng gần 3.910 tỷ đồng; các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.494 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân gần 1.514 tỷ đồng. Nhóm các dự án giao thông còn lại cần giải ngân khoảng 5.470 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, công tác giải ngân thời gian qua dù tương đối tốt, hơn 20.000 tỷ đồng còn lại phải giải ngân vẫn là khá nhiều khi thời gian chỉ còn hơn 2 tháng. Chính vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA giải ngân phải có khối lượng, không chỉ là tạm ứng; phải điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh, xử lý các tồn đọng trong công tác quyết toán các dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn.
Đối với các dự án đang triển khai, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đặc biệt tập trung thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có kế hoạch về đích năm 2022. Trong đó, Dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn phải thông xe, đưa vào khai thác. 3 dự án thành phần còn lại phải thông xe kỹ thuật (thảm nhựa và lắp đặt dải phân cách). Dù là thông xe kỹ thuật cũng phải nghiêm túc thực hiện cẩn trọng.
Đối với các dự án trọng điểm khác, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung với trách nhiệm cao nhất, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục, kịp thời báo cáo vướng mắc, làm rõ xin chủ trương thực hiện, đảm bảo khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31/12/2022 theo đúng yêu cầu. Với Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phải hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 30/11/2022; Dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột phải trình trước ngày 20/1/2023.