Nếu kiên trì, quyết tâm và có chiến lược phù hợp thì mục tiêu quay trở về chinh phục “sân nhà” của doanh nghiệp (DN) gỗ hoàn toàn nằm trong tầm tay. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nghịch lý của ngành gỗ hiện nay là kênh xuất khẩu (XK) luôn tăng trưởng đều đặn, trong khi tại thị trường nội địa, hàng ngoại lại dường như thống lĩnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Trong nhiều năm trở lại đây, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về năng lực, giá trị sản xuất lẫn thị trường XK. Hiện đồ gỗ Việt Nam đã có mặt tại trên 160 thị trường trên khắp thế giới, trong đó có một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Tuy nhiên, trong khi Việt Nam luôn nằm trong số những nhà cung cấp đồ gỗ lớn trên thế giới, thị trường nội địa lại hầu như nhường “sân” cho hàng nhập khẩu. Hiện tại, mặt hàng đồ gỗ chủ yếu nhập khẩu của Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan…

Nguyên nhân của thực trạng này do cả yếu tố chủ quan và khách quan. Về chủ quan, nhiều DN ngại sản xuất để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Bởi lẽ, với một đơn hàng XK, DN chỉ cần sản xuất theo mẫu thiết kế sẵn, giao hàng và thu tiền là xong.

Trong khi đó, để cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước, DN phải đầu tư nhiều hơn từ khâu thiết kế, marketing, nghiên cứu thị trường, xây dựng hệ thống phân phối… quá trình dài hơn, đầu tư nhiều hơn, trong khi lợi nhuận chưa thấy rõ. Đó chính là lý do khiến DN chưa mặn mà với thị trường trong nước.

Nếu khai thác tốt thị trường nội địa, không chỉ dừng lại ở gia tăng doanh thu, DN ngành gỗ còn tiến dần đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững, không phải rơi vào tình trạng lao đao khi nền kinh tế thế giới có sự biến động.

nguyen ton quyen

Ông Nguyễn Tôn Quyền

Về khách quan, trong nhiều năm qua, các chính sách phát triển ngành gỗ chủ yếu mới chỉ tạo điều kiện, khuyến khích XK. Các chính sách để đẩy mạnh phát triển tiêu thụ tại thị trường nội địa dường như chưa có nhiều.

Ngoài ra, hệ thống phân phối mặt hàng gỗ tại Việt Nam quá nhỏ lẻ, manh mún rất khó cho DN sản xuất tiếp cận để mở rộng, phát triển tiêu thụ ở thị trường nội địa….

PV: Ông có cho rằng, các DN ngành gỗ đang bỏ phí cơ hội rất lớn trong việc tiêu thụ nội địa với một thị trường rộng lớn quy mô tới hơn 90 triệu dân?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Thực tế hiện nay, nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng. Theo ước tính của tôi, doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ cũng phải đạt khoảng 3 tỷ USD/năm (bằng một nửa doanh thu XK, hiện doanh thu XK gỗ đạt khoảng 7 tỷ USD/năm năm 2015), điều này phần nào chứng tỏ tiềm năng và sức tiêu thụ không nhỏ của thị trường nội địa.

Khai thác tốt thị trường nội địa, không chỉ gia tăng doanh thu, DN còn tiến dần đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững, không phải rơi vào tình trạng lao đao khi nền kinh tế thế giới có sự biến động.

Đặc biệt trong bối cảnh, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Theo đó, sẽ gỡ bỏ hoàn toàn một số dòng thuế đối với hàng hóa của các nước trong AEC, cũng như thuế nhập khẩu một số mặt hàng sẽ giảm dần về 0% theo TPP. Chi phí nhập khẩu giảm, giá đồ gỗ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục xuống thấp…

Điều đó khiến đồ gỗ của nhiều nước trong AEC và các quốc gia thuộc TPP sẽ có cơ hội tràn mạnh vào Việt Nam và nếu không có một chiến lược đúng đắn, đồ gỗ Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.

PV: Vậy, theo ông các DN ngành gỗ cần có chiến lược như thế nào để phát triển bền vững bằng cả “hai chân”- XK và tiêu thụ nội địa?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Hiện nay, một số DN đã có những thay đổi mạnh mẽ nhằm chiếm lại “thế thượng phong” tại thị trường nội địa, bằng hình thức mở các cửa hàng, siêu thị nội thất hay xây dựng mạng lưới đại lý..., ví dụ như Hoàng Anh Gia Lai, Trường Thành…

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của các DN gỗ hiện nay là chưa tạo được nhiều thương hiệu để người tiêu dùng biết đến, chưa tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp với thị hiếu thị trường, hệ thống phân phối và giá bán hợp lý…

Do đó, để đẩy mạnh cung ứng ở thị trường nội địa, DN cần đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức lại khâu sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, một yếu tố bất ổn nữa là DN sản xuất gỗ, các làng nghề gỗ còn phát triển một cách tự phát, ít thấy có sự liên kết giữa các DN, làng nghề gỗ trong việc tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc tăng cường xây dựng mô hình liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các DN, làng nghề gỗ là hết sức cần thiết để phát triển tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới phân phối, phát triển nguồn nguyên liệu…

PV: Xin cảm ơn ông!

Thiện Trần (thực hiện)