Ngành Hải quan chống thất thu song hành phát triển nguồn thu
Công chức Cục Hài quan Đồng Nai - Tổng cục Hải quan kiểm tra mã hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ảnh: Đỗ Phong

Ứng dụng giải pháp theo thực tế địa bàn

Ngay từ những ngày đầu năm, Hải quan trên địa bàn cả nước đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, 3 tháng đầu năm 2024, dù hoạt động xuất nhập khẩu có biến động giảm (khoảng 22% so với cùng kỳ) song tình hình thu ngân sách tại đơn vị vẫn tương đối ổn định. Cụ thể, tổng số thu ước đến hết quý 1/2024, tổng số thu sẽ đạt khoảng 4.525 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Thung - Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, đơn vị tập trung kiểm soát chặt chẽ nợ thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu; kiểm soát chặt chẽ công tác xét miễn thuế, thực hiện miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế cho doanh nghiệp (DN), đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, không để phát sinh thất thu thuế; tập trung công tác kiểm soát nợ thuế để không phát sinh dư nợ từ nhóm đối tượng bỏ trốn, mất tích, phá sản... Bên cạnh đó, tập trung quản lý nợ thuế chưa hạch toán.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong quý I, cơ quan hải quan đã thực hiện tham vấn 4.334 tờ khai, trong đó số tờ khai chấp nhận trị giá khai báo là 2.735 tờ khai, số tờ khai đã bác bỏ trị giá khai báo là 1.599 tờ khai, đạt tỷ lệ 36,89% trên tổng tờ khai đã thực hiện tham vấn giá, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trên 14,91 tỷ đồng. Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, Sở Tài chính để tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính nhằm chống thất thu ngân sách.

Đối với Cục Hải quan Quảng Nam, hoạt động chống thất thu đạt hiệu quả tích cực thông qua kiểm tra, kiểm soát hải quan. Theo ông Trần Ngọc Đức - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam, đơn vị xác định kiểm tra sau thông quan là công tác trọng tâm, trọng điểm nên đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch và thực hiện thu thập thông tin tập trung vào các chuyên đề rủi ro và một số hoạt động có dấu hiệu nghi vấn, như: việc sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản cố định thuộc dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế; mặt hàng có hai thuế suất, chuyên đề xuất xứ…

Hải quan An Giang đã tập trung tiếp tục xử lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả. Đơn vị duy trì việc công bố danh sách các DN nợ thuế chây ỳ, thuộc diện nợ bị cưỡng chế… Để thu hồi nợ thuế cho ngân sách nhà nước, Cục Hải quan An Giang đã rà soát phân loại nợ và áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo Luật Quản lý thuế.

Đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Để chống thất thu hiệu quả trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan cũng đã đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương.

Theo đó, chống thất thu qua công tác kiểm tra về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị căn cứ tình hình hàng hoá xuất nhập khẩu thực tế từng thời điểm và chính sách quản lý, chính sách thuế để xác định các nhóm hàng, mặt hàng trọng điểm có rủi ro cao trong khai báo về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá và đưa những doanh nghiệp có rủi ro cao để thực hiện kiểm tra tại khâu thông quan nhằm ngăn chặn tình trạng khai báo sai số lượng, trọng lượng, chủng loại và tên hàng với mục đích gian lận, trốn thuế; tăng cường sử dụng máy soi, chiếu để phát hiện bước đầu các nghi vấn.

Đối với chống gian lận về trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu, các đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để tăng cường công tác quản lý trị giá hải quan cả trong thông quan và sau thông quan. Đồng thời, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai trị giá hải quan bất hợp lý để gian lận, trốn thuế; trong đó tập trung quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu có thuế suất cao như hàng hóa là tài nguyên, khoáng sản thô, phế liệu kim loại; hàng hóa nhập khẩu là hàng tiêu dùng có thuế suất cao, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc tự vệ, thuế chống bán phá giá...

Liên quan đến công tác phân loại hàng hoá, áp dụng mã số và mức thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu thực hiện nghiêm việc lấy mẫu để phân tích phân loại, kiểm định, giám định đối với những mặt hàng hệ thống xác định có rủi ro về mã số mà trong khi kiểm tra bằng máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện có tại chi cục hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan không đủ cơ sở để xác định được tính chính xác đối với nội dung khai hải quan; thực hiện rà soát các lô hàng đã thông quan có hàng hóa giống như các mặt hàng tại thông báo phân tích, phân loại mới ban hành để truy thu thuế kịp thời; thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp cùng một mặt hàng nhưng khai báo áp dụng mã số khác nhau và kết quả phân tích phân loại không thống nhất.

Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ; chuyển tải bất hợp pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp.

Giám sát hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính

Đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính, các đơn vị cần tổ chức thu thập thông tin, lập hồ sơ từng đối tượng DN thực hiện thủ tục hải quan để giám sát từ khi nhập khẩu để xác định đối tượng trọng điểm, có rủi ro cao về gian lận thương mại để áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp.