thuế nghệ an

Toàn cảnh Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nợ thuế tại Nghệ An. Ảnh: Duy Thái

>> Nghệ An: Huy động toàn lực để giảm nợ thuế

>> Thuế Nghệ An: Phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu cả năm

Đó chính là nguyên do để UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nợ thuế diễn ra ngày 8/7, tại thành phố Vinh.

Cảm thấy "xấu hổ" vì thua lỗ dẫn tới nợ thuế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Thái Văn Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, số nợ tiền thuế, tiền phạt trong toàn tỉnh tại thời điểm 30/6/2014 là 835 tỷ đồng. “Đây là con số rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách, cũng như tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, ông Thái Văn Hằng nhấn mạnh.

Tại hội nghị hôm nay có 18 DN đã đưa ra ý kiến về nguyên nhân nợ thuế. Giám đốc Công ty TNHH Châu Tiến cho biết, “chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì làm ăn không được, thua lỗ, dẫn tới nợ thuế của Nhà nước”.

Vị này cho rằng, không chỉ ở Nghệ An mà nhiều DN khác trên cả nước “chết” đều do lãi suất ngân hàng và cơ chế còn nhiều thứ chồng chéo. Ngân hàng là cơ quan “bơm” vốn cho DN để kinh doanh, nhưng lãi suất quá cao là tác nhân chính làm triệt tiêu “sức sống” của nhiều DN.

Các quyết định, hành vi hành chính có dấu hiệu vi phạm, xâm phạm tới quyền lợi của DN thì đề nghị DN cần có đơn thư gửi về UBND tỉnh, hoặc các cơ quan chức năng có trách nhiệm của tỉnh giải quyết. Kiên quyết loại bỏ tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh", hạch sách, nhũng nhiễu DN. Quan điểm của Tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN dựa trên quy định của pháp luật cho phép.

Nguyễn Xuân Đường

Ông Nguyễn Xuân Đường

Đại diện một DN khác còn cho hay, cơ cấu kỳ hạn cho vay của ngân hàng còn bất hợp lý. Nhiều DN chỉ vay được khoản vay ngắn hạn, nên đến kỳ trả nợ vẫn không kịp xoay xở đủ vốn trả, dẫn đến phải đi vay ngoài với lãi suất rất cao, nên DN không thể làm ăn có lãi để nộp thuế đầy đủ.

Ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội DN tiêu biểu tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại có ba lĩnh vực nợ thuế lớn nhất là bất động sản, XDCB và khai thác mỏ. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có chủ trương cho cấp bìa sớm để DN được thế chấp để vay vốn; đồng thời, cần phải đưa mặt bằng giá đất xuống thấp hơn để DN bớt áp lực về tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, Nhà nước có cơ chế bù trừ các khoản nợ giữa DN nợ Nhà nước và Nhà nước nợ DN, bởi hiện nay, nhiều dự án DN đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được bố trí vốn để trả nợ thuế.

Còn theo ông Võ Văn Giáp, Giám đốc một DN khai thác mỏ ở huyện Anh Sơn cho hay, “bản thân là một người từ nước ngoài về nước đầu tư, tôi thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất thích đầu tư vào Việt Nam. Nhưng họ đều e ngại vì cơ chế chính sách”.

Đơn cử như DN của ông Giáp, mong muốn được sớm khai thác tạo nguồn thu để nộp thuế, nhưng việc xin cấp phép khai thác lại quá lâu. Ngoài ra, vì lãi suất ngân hàng quá cao, “chúng tôi không muốn nợ thuế, nhưng bắt buộc phải nợ”, ông Giáp nói.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên do khác được DN đưa ra tại Hội nghị như: giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, không được hỗ trợ về mặt bằng, cơ sở hạ tầng, không được thanh toán từ các dự án có vốn ngân sách, hoặc có khúc mắc về vấn đề hoàn thuế,….

Hỗ trợ tối đa cho DN, nhưng phải tuân thủ pháp luật

Tại hội nghị này, trước các ý kiến của DN, đại diện các Sở, ban ngành liên quan đã có những lý giải để DN hiểu rõ, cố gắng vượt qua khó khăn và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Hòa, Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, cơ quan thuế sẵn sàng hỗ trợ DN giải quyết các khó khăn liên quan tới vấn đề nộp thuế. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ chủ động đề xuất lên UBND, cơ quan cấp trên để có những giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho DN vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh trong khả năng của mình.

Ông Hòa cho biết: "Hiện tại theo quy định của pháp luật, DN muốn được nộp theo lộ trình tiền nợ thuế, thì phải có sự bảo lãnh của Ngân hàng. Tuy nhiên, điều này là khó thực hiện, song thời gian qua, được sự cho phép của UBND tỉnh, chúng tôi đã chủ động hỗ trợ cho DN nếu DN có cam kết nộp đầy đủ theo đúng lộ trình".

Giải đáp thắc mắc của DN đối với vấn đề trả lãi khi cơ quan thuế chậm trả tiền hoàn thuế cho DN, ông Hòa cho hay, nếu trường hợp DN nào có kiến nghị về việc cơ quan thuế chậm trả cho DN, Cục sẽ chỉ đạo kiểm tra, nếu đúng sự thật thì cơ quan thuế sẽ trả lãi theo quy định.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường nói rằng: Cơ quan thuế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nhất là trong việc hoàn thuế và truy thu thuế. Đồng thời theo dõi, kịp thời triển khai thực hiện các chính sách về ưu đãi, miễn, giảm thuế TNDN theo quy định. Bên cạnh đó, cần kịp thời hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ của DN sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, chưa được thanh quyết toán và giảm mức phạt chậm nộp thuế, khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Đường nhấn mạnh: “Cho phép cơ quan Thuế áp dụng linh hoạt các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định để tạo điều kiện cho DN vừa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các DN có khả năng nộp thuế nhưng cố tình chây ỳ nợ thuế, thì yêu cầu cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng các bịên pháp mạnh để thu hồi nợ".

Chia sẻ với khó khăn của DN trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Xuân Đường đề nghị các DN nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức để tiếp tục vươn lên, nắm vững quy định, chính sách pháp luật về thuế, kinh doanh, để làm ăn hiệu quả và hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp NSNN.

Ngoài ra, ông Đường còn chỉ đạo, các sở, ban, ngành và UBND các cấp cần tích cực phối hợp với cơ quan thuế thực hiện công tác quản lý thuế.

Theo đó, "yêu cầu các Sở, ngành, rà soát các dự án thuộc vốn NSNN chưa thanh toán cho các nhà thầu có kế hoạch giải ngân thanh toán để tạo điều kiện cho DN thanh toán các khoản nợ thuế, bảo hiểm, ngân hàng”, ông Đường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Đường còn đề nghị các Ngân hàng trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế trong việc thu hồi nợ thuế của các DN bằng cam kết trả nợ thuế giữa DN với ngân hàng và giữa ngân hàng với cơ quan Thuế khi có nguồn thanh toán các công trình từ chủ đầu tư. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần có chính sách hỗ trợ cho DN được tiếp cận vốn rẻ, hoãn hoặc giảm lãi suất các khoản nợ cũ để DN có vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh./.

Duy Thái - Châu Nho