Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế

Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19). Nghị quyết này đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.

Theo đó, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Cụ thể, giai đoạn từ 2008 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ USD; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn      						 Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Văn Chung

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao...

Số liệu thực tế cho thấy, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm. Bình quân giai đoạn 2008 - 2020 chưa đạt mục tiêu của nghị quyết đề ra là 3,5 - 4,0%/năm. Lao động nông thôn trình độ còn thấp, đang có xu hướng già hóa. Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, thấp hơn so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu của nghị quyết, 5 năm sau chỉ tăng 1,9 lần so với 5 năm trước, trong khi đó yêu cầu của nghị quyết là tối thiểu tăng gấp 2 lần. Huy động từ các nguồn khác còn thấp, đầu tư xã hội cho nông nghiệp chỉ chiếm 5,84% tổng đầu tư của xã hội cho nền kinh tế và có xu hướng giảm…

Tăng gấp đôi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Thực tế cho thấy, thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đạt được trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đòi hỏi phải tăng cường nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vì vậy, Nghị quyết 19 tiếp tục đề ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thu nhập bình quân đến năm 2030 tăng gấp 3 lần

Nghị quyết 19 đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao.

Nghị quyết cũng nêu rõ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường... Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết 19 đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của nghị quyết, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện nghị quyết.

Đặc biệt, nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ giải, pháp trọng tâm đối với hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020; có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng...

* Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Nghị quyết số 19-NQ/TW: Ưu tiên đầu tư nguồn lực, đưa tam nông lên tầm phát triển mới
Ông Lê Minh Hoan

Trước tiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ kết hợp Nghị quyết 19 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ cụ thể hóa thành đề cương để tập huấn cho toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương tiếp cận chiến lược và nghị quyết theo quan điểm chỉ đạo mới của trung ương.

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm xây dựng chương trình hành động với các chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đặc biệt, tinh thần của Nghị quyết 19 là nâng cao năng lực của người dân và tổ chức đời sống người dân ở nông thôn, bảo tồn giữ gìn những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử môi trường sinh thái của địa phương đó; là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các địa phương cần tự nhận thức được những giá trị vốn có của mình để tạo ra nguồn lực, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tạo ra sức bật mới.

* Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn:

Ưu tiên đầu tư gấp đôi cho tam nông là hoàn toàn phù hợp

Nghị quyết số 19-NQ/TW: Ưu tiên đầu tư nguồn lực, đưa tam nông lên tầm phát triển mới
Ông Lê Đức Thịnh

Theo tôi, ưu tiên tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020 trong Nghị quyết 19 là hoàn toàn phù hợp và “gãi đúng chỗ ngứa” hiện nay của việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Lý do, hiện nay khi GDP của nông nghiệp xuống còn 10%, lao động của nông nghiệp còn 35%, thậm chí dưới 25% thì về mặt nguyên tắc tất cả các nước trên thế giới sẽ dùng các nguồn khác để hỗ trợ lại nông nghiệp, nông thôn.

Chúng ta vẫn đang sử dụng nông nghiệp như một trụ đỡ. Khái niệm trụ đỡ có thể hiểu ở giai đoạn này là đỡ về xã hội, về an sinh, hay nói cách khác đóng góp về môi trường, an sinh xã hội là đóng góp lớn nhất. Vì vậy giai đoạn này, vốn của khu vực công nghiệp, dịch vụ phải bù đắp lại cho nông nghiệp. Tăng đầu tư cho khu vực tam nông chính là tăng đầu tư để đào tạo, tri thức hóa nông dân, đào tạo nông dân chuẩn chỉ, phát triển hạ tầng bài bản hơn; giúp cho doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi giá trị hợp lý hơn, tạo môi trường nông thôn, môi trường nông nghiệp chuẩn mực.

* Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội:

Cần có các phương án tài chính hợp lý để thu hút đầu tư cho tam nông

Nghị quyết số 19-NQ/TW: Ưu tiên đầu tư nguồn lực, đưa tam nông lên tầm phát triển mới
Ông Mạc Quốc Anh

Nghị quyết 19 ra đời sẽ giúp hình thành khu vực tam nông đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng cao và lấy đây là trụ đỡ cốt lõi của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay của ngành Nông nghiệp mới chỉ đạt 3,7%/năm nhưng tiềm lực của khu vực này rất lớn.

Việc ban hành Nghị quyết 19 sẽ đẩy mạnh quy mô để đầu tư thêm cho khu vực tam nông. Để việc đầu tư có hiệu quả, chúng ta phải hỗ trợ đào tạo lực lượng nông dân, nông thôn; quy hoạch về mặt đô thị ở nông thôn để có thể giữ lại được nhiều lực lượng lao động chất lượng cao cho vùng nông thôn.

Về vốn đầu tư, chúng ta cần có các phương án tài chính như phải phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm tài chính mới và củng cố lại các hệ thống tài chính ở cấp nông thôn, các giải pháp này phải mang tính đồng bộ. Chúng ta cũng phải hỗ trợ cho quỹ tín dụng nhân dân đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, bởi vì đối với khu vực này, quỹ tín dụng rất quan trọng vì đây là nơi cấp vốn tương đối bền vững và vốn giá rẻ của hệ thống của các đô thị nông thôn.