Chiều 16/3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cùng các cơ quan liên quan tổ chức họp báo thông tin dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động

Thông tin về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tập trung bám sát 5 nhóm chính sách lớn, đều nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động. Từ đó, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động trong quá trình làm việc và sau khi nghỉ hưu.

Người tham gia bảo hiểm xã hội muộn có cơ hội được hưởng lương hưu
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam, các cơ quan liên quan chủ trì họp báo thông tin dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: Văn Nam.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chính như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.

Mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội

Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu. Đồng thời, cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần. Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện đều đã có điều chỉnh giảm.

Theo ông Cường, Ban soạn thảo dự án Luật BHXH (sửa đổi) cũng giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Trong đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng BHXH phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH.

Quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; sổ BHXH điện tử cũng là những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Về quy định giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, ông Cường cho biết, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.

Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng; định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.

Khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để hưởng tối đa quyền lợi

Ông Cường cho hay, về quy định hưởng BHXH một lần, Ban soạn thảo bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia, hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ tuổi nghỉ hưu hàng tháng như: Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng bằng mức trợ cấp xã hội; người hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đối với quy định về BHXH một lần, Ban soạn thảo dự thảo xin ý kiến với 2 phương án.

Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 23/2015/QH13): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Người tham gia bảo hiểm xã hội muộn có cơ hội được hưởng lương hưu
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Văn Nam.

Phương án 2 (quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

“Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần” - ông Cường nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, việc sửa đổi Luật BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động. Cùng với đó, sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13. Dự thảo luật sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 10/2023.