du lich bien

Bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá là loại hình sẽ phục hồi mạnh mẽ khi dịch được kiểm soát. Ảnh: H.Q

Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC xung quanh vấn đề này,

* PV: Ở góc độ của doanh nghiệp, ông có thể khái quát lại những tác động từ đại dịch Covid-19 tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua?

Ngành du lịch đã có quá trình phát triển ấn tượng trong những năm qua và đây sẽ là động lực cho quá trình tăng trưởng trong thời gian tới, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và các hoạt động kinh tế dần quay về quỹ đạo như trước đây.

chuyen gia

Ông Mauro Gasparotti

- Ông Mauro Gasparotti: Hai năm vừa qua là khoảng thời gian đầy thách thức cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Chúng tôi nhận thấy thị trường giao dịch các sản phẩm này kém sôi động hơn so với vài năm trước đây, nhiều chủ đầu tư vẫn lo ngại những diễn biến bất ổn của thị trường và đã quyết định chờ đợi tín hiệu hồi phục, đặc biệt là những thị trường phụ thuộc vào việc tiếp cận bằng đường hàng không.

Các thị trường lân cận TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, với hạ tầng giao thông cải thiện, thuận tiện tiếp cận bằng đường bộ có kết quả giao dịch khởi sắc hơn, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ tâm lý ưa chuộng các địa điểm này sau đại dịch. Chúng tôi cũng nhận thấy người mua hiện nay không chỉ xem các sản phẩm ngôi nhà thứ hai đơn thuần là sản phẩm đầu tư mà còn chú trọng về mục đích sử dụng như một sản phẩm nghỉ dưỡng.

Dẫu vậy thị trường vẫn ghi nhận một vài điểm sáng trong việc phát triển dự án. Nhiều dự án vốn bị tạm ngưng nhiều năm trước đây đang được tiến hành thi công trở lại hoặc đổi chủ sở hữu mới. Một số chủ đầu tư vẫn tiếp tục các hoạt động nghiên cứu khả thi và phát triển dự án, thậm chí còn “tăng tốc” hơn để có thể đi tiên phong và đón đầu các cơ hội sau đại dịch.

* PV: So với các nước trong khu vực và trên thế giới, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam có những tiềm năng lợi thế gì, thưa ông?

- Ông Mauro Gasparotti: Với lượng khách quốc tế không ngừng gia tăng trong những năm vừa qua, sự xuất hiện của các sản phẩm du lịch mới, cơ sở hạ tầng được cải thiện và phát triển khiến chúng ta càng thấy rõ về tiềm năng phát triển du lịch của thị trường Việt Nam trong dài hạn. Việt Nam có nhiều bãi biển đẹp, vùng núi hoang sơ, văn hóa đa dạng, nền ẩm thực phong phú… tất cả các yếu tố này tạo nên nền tảng vững chắc với mục tiêu trở thành điểm đến nghỉ dưỡng quốc tế và cạnh tranh với các cường quốc về du lịch như Thái Lan.

Ưu điểm của thị trường Việt Nam là tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn hẳn các thị trường khác. Nếu nhà đầu tư mua tài sản tại Thái Lan, Bali – nơi thị trường du lịch đã phát triển mạnh thì giá trị tài sản ở những vị trí tốt đã ở mức rất cao hoặc người mua phải tìm mua sản phẩm ở những địa điểm kém thu hút hơn. Tại Việt Nam thời điểm này nhà đầu tư vẫn có thể mua bất động sản tại các điểm đến hàng đầu như Nha Trang, Cam Ranh, Phú Quốc... và vẫn có cơ hội hưởng lợi ích từ tiềm năng phát triển của ngành du lịch trong dài hạn.

Ngành du lịch đã có quá trình phát triển ấn tượng trong những năm qua và tôi tin rằng đây sẽ là động lực cho quá trình tăng trưởng trong thời gian tới, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và các hoạt động kinh tế dần quay về quỹ đạo như trước đây.

* PV: Với những tiềm năng và lợi thế mà ông vừa chia sẻ, bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam có phải là loại hình thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước trong trung và dài hạn?

- Ông Mauro Gasparotti: Mặc dù kết quả hoạt động của ngành bất động sản nghỉ dưỡng trong hai năm vừa qua gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, đây vẫn là một ngành có xu hướng phát triển tốt. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời và họ vẫn đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam trong trung và dài hạn.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng về lượt du khách quốc tế ấn tượng với tốc độ 2 con số kể từ năm 2015, nhờ vào các chính sách khích lệ về thị thực, khai thác các tuyến đường bay quốc tế mới và tăng trưởng đáng kể của hai thị trường chính (Trung Quốc và Hàn Quốc).

Đối với thị trường nội địa, những thay đổi về yếu tố nhân khẩu học, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, đối tượng khách gia đình, thành phần dân số già đã và đang góp phần định hình và tạo nên nhóm khách du lịch mới với đặc tính riêng.

Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng từ việc chi tiêu cho mục đích sở hữu vật chất, hàng hóa sang chi tiêu cho trải nghiệm cũng là yếu tố đáng lưu tâm, đặc biệt đối với ngành du lịch nghỉ dưỡng để có thể nắm bắt và đáp ứng các nhu cầu về trải nghiệm của du khách. Do vậy nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng về mô hình dự án, định vị sản phẩm và cơ chế quản lý phù hợp với điều kiện thị trường.

* PV: "Hộ chiếu vắc-xin” cũng được kỳ vọng sẽ “phá băng”, đưa thị trường bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng trở lại, ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề trên?

- Ông Mauro Gasparotti: Theo tôi quá trình phục hồi của ngành bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cần song hành với tốc độ khôi phục của các hoạt động kinh tế khác, cũng như tốc độ tiêm chủng vắc-xin và tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Hiện nay, trên thế giới nói chung “hộ chiếu vắc-xin” đang được xem là một trong những giải pháp giúp nối lại các hoạt động đi lại, khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các ngành kinh tế để các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể nhanh chóng, an toàn mở cửa biên giới, từng bước khôi phục các ngành hàng không, du lịch, thương mại, đầu tư…

Cá nhân tôi đánh giá Việt Nam cũng nên sớm cân nhắc việc chấp nhận “hộ chiếu vắc- xin” với các quốc gia khác, nhằm đơn giản hoá các thủ tục hành chính khi khách quốc tế nhập cảnh, từ đó góp phần mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)