ĐBQH Trần Du Lịch: “Tiền nào của ấy, dự án giá rẻ nhưng cuối cùng lại đắt"

trần du lich
ĐB Trần Du Lịch

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), nhiều dự án giá rẻ nhưng cuối cùng chất lượng kém, kéo dài thời gian thành đắt và đây là bài học nhãn tiền. ĐB cho rằng, nếu đấu thầu những công trình mà chỉ dựa vào giá sẽ là lợi bất cập hại.

ĐB cũng cho rằng, trong đấu thầu, giá chỉ là một điểm tham khảo còn yếu tố quan trọng hơn đó là thời gian và đây chính là tiền bạc.

“Tuy nhiên, Việt Nam thường xem vấn đề giá là quan trọng, theo tôi, chúng ta nên học Trung Quốc về vấn đề thời gian. Nhiều dự án trên đất nước họ quy định, làm đường sá phải làm 3 ca không làm 1 ca, hay những dự án tòa nhà ở đô thị dưới 6 tầng không được xây quá 6 tháng...", ông Lịch chia sẻ.

Chia sẻ về việc người dân lo lắng khi nhà thầu Trung Quốc thắng thầu dự án nước Sông Đà 2, ông Lịch lý giải, đó chính là do lâu nay chất lượng của nhiều công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công chất lượng kém, chậm tiến độ..., dẫn đến tâm lý của người dân cảm thấy sợ.

“Rất nhiều công trình do nhà thầu Trung Quốc làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ đội giá lên, giá rẻ thành ra đắt, như dự án đường sắt trên cao…, vì thế người dân rất mất cảm tình”, ông Lịch bày tỏ.

Ông Lịch ví dụ, nếu cứ đưa nhà thầu của các nước phát triển trong nhóm G7 hay Nhật Bản vào thi công thì người dân sẽ tin ngay, bởi công nghệ rất tốt và khi làm thường đảm bảo tiến độ, có uy tín.

"Nếu muốn được sự tin tưởng, nhà kinh doanh phải được tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nhà thầu Trung Quốc muốn tạo niềm tin thì cần phải chứng minh bằng năng lực", ông Lịch nêu rõ.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Nếu có sự cố đơn vị chấm thầu phải chịu trách nhiệm

bùi thi an
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)

Chia sẻ về việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu dự án nước Sông Đà, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, đối với dự án đường ống nước sông Đà, đây là dự án rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của dân, an sinh xã hội, nếu như mất nước thì Hà Nội sẽ có khoảng 20.000 người bị ảnh hưởng.

“Công trình này đặc biệt quan trọng vì liên quan đến vấn đề an sinh xã hội và cuộc sống của dân Thủ đô”, bà An nhấn mạnh.

"Vì sao họ thắng? Tôi không ở trong hội đồng xét thầu nên không biết, vì thế tôi đề nghị người chọn thầu phải công bố công khai toàn bộ tiêu chí về mặt kỹ thuật của đường ống nước, tuổi thọ đường ống, thậm chí giá cả cũng phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, để cộng đồng giám sát, nếu sau này có sự cố gì xảy ra thì các đơn vị chấm thầu và chọn thầu phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội, trước TP. Hà Nội", bà An đề nghị.

Cũng theo bà An, dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 1, đường ống đã dùng công nghệ Trung Quốc, 3 năm 17 sự cố. “Vì vậy, giai đoạn 2 chúng ta lại tiếp tục lựa chọn nhà thầu Trung Quốc, thì cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia về ngành cấp thoát nước, vật liệu”, bà An nhấn mạnh.

Về chuyện người dân mất niềm tin vào năng lực nhà thầu Trung Quốc, bà An cho rằng, đây cũng là điều dễ hiểu khi quá nhiều công trình có liên quan đến nhà thầu Trung Quốc đang chậm tiến độ, đội giá, mất an toàn lao động…, khiến người dân vô cùng lo lắng. "Vì thế, cần có những cam kết công khai, rõ ràng từ phía chủ đầu tư và nhà thầu cung cấp vật liệu này", bà An bày tỏ./.

Hồng Chi (ghi)