TT

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp.

Chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Còn nhiều bất cập trong Luật Thống kê

Lý do sửa đổi, bổ sung Danh mục, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là bởi danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ gần đây, cũng như chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn đang vận động của đời sống kinh tế xã hội.

Cụ thể như thiếu các chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của kinh tế số và logistics cho nền kinh tế ở tầm vĩ mô, như: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước, tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics trong tổng sản phẩm trong nước, chi phí logistics so với tổng sản phẩm trong nước,... Thiếu các chỉ tiêu phản ánh đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, như: Tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động, tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng di động, số lượng dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến,...; thiếu các chỉ tiêu phản ánh mức độ ứng dụng công nghệ (chữ ký số) như: Tổng số chứng thư số đang hoạt động,... hay các chỉ tiêu thể hiện năng lực cạnh tranh quốc gia như: Tỷ lệ người dân biết kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông, tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội,...

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện đang có 2 loại ý kiến. Thứ nhất là nhất trí với phạm vi sửa đổi như tờ trình của Chính phủ vì đã được Quốc hội biểu quyết thông qua khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần thiết sửa đổi một số điều hoặc toàn diện Luật Thống kê.

Thảo luận về vấn đề này, các thành viên UBTVQH cho rằng qua 5 năm thi hành, Luật Thống kê đã phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới công tác thống kê. Đặc biệt là sửa hệ thống chỉ tiêu thống kê, thay đổi phương pháp tính, cách thức thu thập số liệu, công bố thông tin và cần ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ số trong hoạt động thống kê.

Chỉ ra một số bất cập trong hoạt động thống kê, các chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu thống kê hiện hành, UBTVQH cho rằng, nếu chỉ sửa riêng phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê mà không sửa Luật thì sẽ còn nhiều bất cập không được tháo gỡ, khó đảm bảo tính đầy đủ, đủ độ tin cậy của số liệu thống kê để hoạch định chính sách, đáp ứng mục đích của hoạt động thống kê.

Chưa rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan thống kê

Ngoài những vấn đề mà cơ quan thẩm tra đã chỉ ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ 7 lý do cần sửa đổi Luật Thống kê.

Đó là, Luật Thống kê hiện hành chưa có quy định rõ về chế độ kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước, chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia để bảo đảm tính minh bạch, công khai. Chưa có quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thống kê, thông tin thống kê ngoài hệ thống thống kê nhà nước. Cơ quan nhà nước chưa phát triển dịch vụ thống kê và cung cấp thông tin thống kê.

Đồng thời, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê trung ương, của Tổng cục Thống kê và cục thống kê địa phương; trách nhiệm phối hợp của cơ quan thống kê, bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp các thông tin thống kê trọng yếu; điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê. Trong phụ lục thống kê chưa có chỉ tiêu nào phản ánh liên kết vùng, kinh tế vùng, kinh tế ngành; chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện tính toán nội dung này.

Hơn nữa, thống kê trong nước vẫn sử dụng các phương pháp điều tra truyền thống, tạm tính, dẫn đến tình trạng số liệu thống kê không thống nhất, có sai số. Trong khi đã có cơ sở dữ liệu số như về dân cư, số liệu xuất nhập khẩu, thuế được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, liên tục.

Do đó, UBTVQH đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại Chính phủ, đồng thời khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế làm rõ các vấn đề trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của UBTVQH để báo cáo tại phiên họp tháng 10./.

Nêu ví dụ về những bất cập cần tháo gỡ trong Luật Thống kê, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại việc điều chỉnh tổng mức GDP cả nước thêm khoảng 25%, ước tăng 1 triệu tỷ đồng, mặc dù rất đúng các thông lệ quốc tế nhưng luật lại chưa có quy định. Do đó, gây lúng túng trong xử lý số liệu, quản lý điều hành.

"Tính pháp lý của việc điều chỉnh GDP thế nào, ai được phép điều chỉnh, khi điều chỉnh thì các chỉ tiêu vĩ mô khác có thay đổi hay không? Luật chưa có quy định nên rất lúng túng", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Dương An