Số nợ thuế vẫn còn lớn

Năm 2022, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, các đơn vị trong toàn ngành đã chủ động, nỗ lực trong công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý nợ thuế; thường xuyên theo dõi, rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu hoặc nợ không có khả năng thu để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, số nợ thuế vẫn cao.

Tổng cục Hải quan Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Thống kê sơ bộ cho thấy, nợ thuế quá hạn do cơ quan hải quan quản lý đến ngày 31/12/2022 là 5.716 tỷ đồng, tăng 2,44% so với năm 2021, bằng 1,3% số thu ngành Hải quan năm 2022. Cụ thể, nợ khó thu là 4.072 tỷ đồng; nợ chờ xử lý 45,66 tỷ đồng; nợ có khả năng thu 1.332 tỷ đồng và nợ do phạt vi phạm hành chính trên 265 tỷ đồng.

Tình trạng này diễn ra khá “đồng đều”, không riêng ở địa bàn nào trên cả nước. Đặc biệt, càng các địa phương có hoạt động xuất nhập khẩu mạnh thì càng phức tạp. Đơn cử như tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn tính đến thời điểm ngày 28/2/2023 trên 2.207 tỷ đồng. Con số này tuy giảm trên 200 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022, tương đương giảm 8,39% song vẫn còn khá lớn. Nhiều DN trên địa bàn đã bị cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) vì nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hàng chục DN khác đang cố tình ʻʻlờ” số nợ này, thậm chí phát tán tài sản, bỏ trốn… Ví dụ như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn nợ thuế 404,5 tỷ đồng; Công ty CP Phát triển và kinh doanh nhà nợ 351,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn nợ 339,3 tỷ đồng; Công ty CP Đức Khải nợ 334,3 tỷ đồng...

Tại Cục Hải quan Lạng Sơn, tính đến 31/12/2022, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn đối với các tờ khai đã thông quan là 184,3 tỷ đồng. Trong đó nợ khó thu thuộc diện khoanh, xóa là 180,78 tỷ đồng; nợ có khả năng thu là 2,5 tỷ đồng; nợ phạt vi phạm hành chính là 0,68 tỷ đồng. Đến nay hầu hết DN đã ngừng hoạt động, bỏ trốn... và số nợ đã trên 10 năm, có những DN nợ đã gần 20 năm.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến ngày 15/11/2022, tổng số nợ thuế tại do cơ quan hải quan quản lý đã phát sinh hơn 198 tỷ đồng, tăng 93 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong số này có hơn 95,3 tỷ đồng nợ khó thu; hơn 1,76 tỷ đồng nợ chờ xử lý; nợ có khả năng thu hơn 79,9 tỷ đồng; nhóm nợ phạt vi phạm hành chính hơn 21,5 tỷ đồng. Số nợ thuế của các DN còn đọng lại hầu hết đều rơi vào tình trạng khó đòi, có DN nợ thuế đến 10 năm. Mặc dù Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi văn bản cũng như gặp trực tiếp đại diện DN để đôn đốc nhưng DN đưa ra nhiều lý do để chây ỳ trong việc trả nợ.

Giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng địa phương

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng DN “xù” nợ thuế, cũng để xử lý hiệu quả số nợ thuế, tới đây, ngành Hải quan sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát phân loại nợ chính xác, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để các chi cục thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý nợ thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi nợ thuế trên cơ sở kiểm tra công tác phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu để ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các cục hải quan tỉnh, thành phố; chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát các nhóm nợ, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng DN nợ, tình trạng thực tế của DN, xử lý hết các khoản nợ cũ, không để phát sinh nợ mới.

Quy trình chặt chẽ nhưng không phát sinh thêm thủ tục

Tổng cục Hải quan cho biết, quy trình quản lý nợ hiện nay giúp các đơn vị hải quan thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, đôn đốc và áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp. Đặc biệt, quy trình quản lý nợ cũng hướng tới mục tiêu không phát sinh thêm các thủ tục hành chính đối với người nộp thuế.

Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý, giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính đối với các khoản nợ chuyên thu quá hạn phát sinh trước ngày 1/1/2022 của các tờ khai đã thông quan, giải phóng hàng tính đến thời điểm 31/12/2021 cho các cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm tra sau thông quan. Đồng thời, gắn trách nhiệm thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính cho từng đơn vị cụ thể.

Mới đây nhất, để đảm bảo việc thực hiện theo dõi và quản lý nợ thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện rà soát, kiểm tra hoàn thiện hồ sơ phân loại các khoản nợ đang được theo dõi tại đơn vị và phân loại nợ theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa XNK.

Theo ông Nông Phi Quảng - Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), mục đích của quy trình quản lý nợ nhằm thường xuyên rà soát các nhóm nợ đảm bảo việc phân loại nợ theo đúng bản chất nhóm nợ, đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của công chức quản lý nợ tại các cấp từ lúc phát sinh nợ cho đến bước cuối cùng là xử lý xong khoản nơ (thu hồi hoặc khoanh, xóa nợ).