Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm tới triển vọng chứng khoán Việt Nam
Năm 2024, nhiều khả năng dòng tiền nước ngoài sẽ trở lại các thị trường chứng khoán mới nổi và cả Việt Nam. Ảnh: Duy Dũng.

PV: Thưa bà, trong khi dòng tiền trong nước đang khá tốt, thì khối ngoại lại liên tục bán ròng. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về diễn biến vốn ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ đầu năm tới nay? Ở các thị trường khu vực, cận biên khác thì thế nào, thưa bà?

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm tới triển vọng chứng khoán Việt Nam
Bà Nguyễn Hoài Thu

Bà Nguyễn Hoài Thu: Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2023, khối ngoại đã bán ròng khoảng 20,4 nghìn tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Một số cổ phiếu bị khối ngoại bán nhiều nhất có thể kể đến như VPB, MWG, VHM hay chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Việc bán ròng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà khối ngoại cũng bán ròng trên các TTCK khác trong khu vực ASEAN. Còn ở chiều ngược lại, dòng vốn trong năm 2023 có xu hướng đi vào các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật, khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoặc thị trường lớn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Ấn Độ.

PV: Theo bà, đâu là nguyên nhân chính khiến khối ngoại bán mạnh? Việc khối ngoại bán ròng như vậy thời gian qua, theo bà có bất thường hay không?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Có một số nguyên nhân làm khối ngoại bán ròng. Đầu tiên là việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát, khiến cho đồng USD mạnh lên, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào tháng 10 vừa rồi đã vượt 5%, là mức cao nhất kể từ năm 2007. Do đó, dòng tiền đã bị rút ra khỏi các TTCK mới nổi cũng là điều dễ hiểu.

Trong những tuần gần đây, một phần hoạt động bán ròng của khối ngoại đến từ nhà đầu tư Thái Lan. Thái Lan mới có quy định từ ngày 1/1/2024, sẽ đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản đầu tư ở nước ngoài. Do đó, các nhà đầu tư Thái Lan, nếu đã đầu tư chứng khoán Việt Nam có lãi, sẽ chốt lãi trước khi năm 2023 kết thúc để tránh thuế thu nhập và có thể trở lại đầu tư sau vào năm 2024.

Vốn ngoại sẽ vào mạnh hơn

Với khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 - 3 năm tới, sẽ có những dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam để đón đầu sự kiện này. Nhìn vào các quốc gia đã từng được nâng hạng TTCK, thông thường dòng vốn cả trong và ngoài nước sẽ đổ vào thị trường mạnh mẽ trong vòng 1 - 2 năm trước thời điểm được nâng hạng chính thức.

Ngoài ra, có một số vấn đề riêng của Việt Nam trong năm 2023, chẳng hạn như kinh tế chưa hồi phục mạnh và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chưa được như kỳ vọng. Kết quả kinh doanh quý IV sẽ tốt hơn, tuy nhiên chúng ta khó có thể kỳ vọng có tăng trưởng trong cả năm 2023. Các doanh nghiệp mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất đều có những vấn đề về tình hình kinh doanh trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, điểm tích cực, thú vị là vào những thời điểm TTCK Việt Nam giảm mạnh và định giá trở nên rẻ, như vào giai đoạn tháng 11/2022 đến tháng 3/2023, hay vào cuối tháng 10/2023, khối ngoại vẫn có những giai đoạn mua ròng trên thị trường để tích lũy cổ phiếu với định giá hấp dẫn.

PV: Trên thực tế, giao dịch khối ngoại không còn tác động quá nhiều tới dòng tiền trên thị trường. Vậy, theo bà, việc bán ròng của khối ngoại như vậy sẽ tác động thế nào tới TTCK nói chung?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Giao dịch của khối ngoại hiện chỉ chiếm 10 - 15% tổng giá trị giao dịch trên TTCK. Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh từ đầu năm, khối lượng cổ phiếu bán ròng đều được các nhà đầu tư trong nước hấp thụ hết.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm tới triển vọng chứng khoán Việt
Ảnh minh họa

TTCK Việt Nam trong năm 2023 cũng có những thời điểm biến động mạnh. Nhưng nhìn chung, kết quả vẫn tương đối tích cực với mức tăng của VN-Index từ đầu năm đến ngày 15/12 là 9,5%, nhờ vào việc lãi suất giảm và kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực hơn vào năm 2024. Riêng các quỹ mở của VinaCapital, với chiến lược đầu tư chủ động, đã đem lại lợi nhuận từ 17% đến 28% tùy quỹ tính từ đầu năm 2023, tốt hơn nhiều so với mức tăng của thị trường chung.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng mặc dù tác động từ việc bán ròng của khối ngoại là không quá lớn, việc này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.

PV: Nhiều nhà đầu tư nước ngoài qua tiếp xúc cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn là điểm sáng, cơ hội đầu tư trên TTCK Việt Nam vẫn tiềm năng… Bà nghĩ sao về việc khối ngoại sẽ quay lại khi lãi suất USD giảm và tỷ giá bớt căng thẳng?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đặt niềm tin vào khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trên TTCK, qua những cuộc tiếp xúc của chúng tôi với các nhà đầu tư nước ngoài, họ đều thể hiện sự quan tâm lớn đến triển vọng của TTCK Việt Nam trong những năm tới.

Việt Nam vẫn luôn thuộc nhóm các nước có nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc +1 và khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2 - 3 năm tới.

PV: Theo bà, đâu là cơ hội để TTCK thu hút vốn ngoại trong thời gian tới và trước mắt là năm 2024?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Nhìn sang năm 2024, với việc triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn và nhiều khả năng FED đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, sẽ bắt đầu những lần giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2024, đồng USD đang trong xu hướng yếu đi, nhiều khả năng dòng tiền nước ngoài sẽ trở lại các TTCK mới nổi và cả Việt Nam.

Riêng đối với TTCK Việt Nam, với khả năng sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 - 3 năm tới, sẽ có những dòng vốn ngoại đón đầu sự kiện nâng hạng này. Nhìn vào các quốc gia đã từng được nâng hạng TTCK, thông thường dòng vốn cả trong và ngoài nước sẽ đổ vào thị trường mạnh mẽ trong vòng 1 - 2 năm trước thời điểm được nâng hạng chính thức.

PV: Xin cảm ơn bà!