Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định 171 sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khu vực phía Bắc. Nhiều ý kiến đồng thuận nâng mức xử phạt các vi phạm giao thông.

Tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe

Theo ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT, Dự thảo mới hướng tới ba mục tiêu chính. Bao gồm tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.

Lý giải cho nguyên nhân phải tăng mức xử phạt, theo ông Hoàng Thế Tùng, sau 2 năm áp dụng quy định tại Nghị định 171 vào thực tế, ngay lực lượng CSGT cũng cho rằng chế tài cũ chưa đủ sức răn đe, nhiều lái xe vẫn còn xem thường dẫn tới hành vi sẵn sàng vi phạm giao thông.

Xuất phát từ lý do đó,Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam nhất trí với việc tăng mức xử phạt, các nhóm hành vi chủ quan như: Hành vi vượt đèn đỏ, hành vi ra tín hiệu dừng xe nhưng lái xe bỏ chạy, hành vi xe không được quyền ưu tiên nhưng lại lắp thiết bị ưu tiên, xe được quyền ưu tiên nhưng không có giấy phép hoặc giấy phép không còn hạn, hay như xe hợp đồng trá hình, chạy luồn lách đón khách, không có hành khách theo danh sách.

Cũng tại Hội nghị ông Nguyễn Minh Thụy, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Nam Định cho rằng, cần quy định cụ thể các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành lang đường bộ như: Phơi rơm rạ, đốt rơm rạ, hành vi dựng rạp đám cưới, đám ma chiếm dụng lòng đường. Đồng thời cũng phải tăng nặng mức phạt đối với xe chở quá tải trọng trục xe, vì đây là đối tượng phá hoại đường rất lớn.

Còn ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam lại cho rằng, những quy định chưa phù hợp cần rà soát kỹ, việc tăng các mức phạt để tăng sức răn đe là đúng, tuy nhiên cũng cần điều chỉnh bổ sung một số điều để sát với thực tế. Cần phân biệt rõ hành vi vi phạm của người lái xe với hành vi vi phạm của chủ phương tiện.

Sẽ triệt tận gốc xe gắn biển đỏ giả, dán logo

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, quan điểm của tổ soạn thảo Nghị định lần này là phải kết hợp hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, rất nhiều hành vi chưa được đề cập nên khi thực tiễn xảy ra, dẫn đến lúng túng trong việc xử lý.

Đơn cử như thẩm quyền của trưởng phòng CSGT địa phương được xử phạt đến 8 triệu đồng nhưng để thực hiện được quyền này, mất rất nhiều thời gian. Do đó khi sửa đổi, phải xử lý hài hòa quy định này, vì nếu đưa thẩm quyền cao quá mà phải trình qua nhiều cấp thì hiệu quả cũng sẽ không cao.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đồng ý với việc bổ sung một số hành vi đã có trong thực tế nhưng chưa được đề cập trong Nghị định 171, như hành vi vi phạm hành lang đường bộ để phơi lúa, đốt rơm rạ trên đường..., giúp Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương có chế tài thực hiện.

Còn những hành vi nào tiềm ẩn, là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe, như hành vi uống rượu bia khi lái xe, vấn đề chở hàng quá tải...

"Riêng về cuộc chiến chống xe quá tải vẫn phải tiếp tục làm và làm mạnh hơn nữa, ở đây chúng ta mới đưa ra hình thức xử phạt, còn ngoài xã hội diễn biến hết sức tinh vi mà chúng ta chưa đề cập hết. Hành vi mua bán logo hiện nay đang diễn biến phức tạp, nếu không nâng mức xử phạt không những ảnh hưởng đến hệ thống cầu đường mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, sắp tới Bộ GTVT sẽ kết hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng kiên quyết xử lý xe quá tải gắn biển đỏ giả, bằng giả, đăng kiểm giả, xe hết niên hạn mà vẫn ngang nhiên lưu hành. Sẽ có hình thức xử phạt mạnh với những đối tượng này để phạt một lần là phải chấm dứt ngay.

Thêm vào đó, đối tượng vi phạm không phải là một mình lái xe, những người liên quan đều phải xử phạt để nâng cao trách nhiệm. Trong cuộc chiến chống xe quá tải, nếu lực lượng thanh tra, công an chỉ xử lý ngoài đường sẽ khó thành công mà phải từ chân hàng, từ chủ doanh nghiệp, người bốc xếp hàng.

"Nghị định sửa đổi lần này theo chỉ đạo chung là trên nguyên tắc bám vào các Luật, từ các Luật sẽ soi sang các nghị định thực thi, tránh chồng chéo, trùng lặp. Đồng thời, cũng sẽ nghiên cứu một số hành vi nghiêm trọng có thể tăng mức xử phạt, một số hành vi cần thiết có thể chuyển sang mức hình sự", ông Thọ cho biết./.

Bài và ảnh: Trí Dũng