7 tháng, thu được gần 19 nghìn tỷ đồng nợ thuế
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, lũy kế tính đến thời điểm ngày 31/7/2021, toàn ngành Thuế đã đôn đốc thu hồi được 18.802 tỷ đồng tiền nợ thuế, đạt 62,5% mục tiêu thu nợ giao đề ra từ đầu năm.
Bộ phận một cửa Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên - Phú Bình (Thái Nguyên) hỗ trợ người nộp thuế làm thủ tục thuế. Ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm ngày 31/7/2021, tổng số tiền nợ thuế toàn ngành đang quản lý ước khoảng 116.891 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ, tăng 22,8% so với thời điểm ngày 31/12/2020, tăng 0,8% so với thời điểm ngày 30/6/2021.
Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (nợ đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/7/2021 là 105.997 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ, tăng 28,5% so với thời điểm ngày 31/12/2020, tăng 0,6% so với thời điểm ngày 30/6/2021.
Trong tổng số nợ thuế trên, nợ tiền thuế có khả năng thu là 60.395 tỷ đồng, chiếm 51,7%, tăng 37,8% so với cùng kỳ, tăng 0,6% so với thời điểm ngày 30/6/2021; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 25.294 tỷ đồng, chiếm 21,6%, giảm 47,7% so với cùng kỳ, tăng 0,1% so với thời điểm 30/6/2021; tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) là 9.450 tỷ đồng, chiếm 8,1%, tăng 18,3% so với cùng kỳ, tăng 3,7% so với thời điểm ngày 30/6/2021.
Theo Tổng cục Thuế, nguyên nhân số nợ còn cao theo cơ quan thuế là do từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, rất nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ nên vẫn theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên. Ngoài ra, phát sinh thêm tiền chậm nộp tính theo mức 0,03%/ngày trên tổng số tiền thuế nợ cũng là nguyên nhân làm tăng nợ thuế.
Đối với công tác xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế không có khả năng thu theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước lũy kế ước đạt 4.429 tỷ đồng. Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ đến cuối tháng 7/2021 ước đạt 28.584 tỷ đồng.
Tiếp tục nỗ lực kéo giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% trên tổng thu
Để kéo giảm nợ thuế, từ nay đến cuối năm, ngành Thuế tiếp tục tổ chức triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ thuế tại cơ quan thuế các cấp. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý thu nợ thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp.
Đồng thời, cơ quan thuế phân công, giao nhiệm vụ thu nợ đối với người nộp thuế có số nợ thuế lớn đến từng phòng quản lý, lãnh đạo cục thuế, chi cục thuế, công chức quản lý nợ thuế; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: cơ quan công an, ngân hàng, quản lý thị trường, kế hoạch đầu tư..., trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Song song với đó, ngành Thuế tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội; phấn đấu kéo giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% trên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021.
Văn Tuấn