OPEC+ cân nhắc việc cắt giảm thêm sản lượng để cứu giá dầu

Hiện tại, Ả Rập Saudi, thành viên lớn nhất của OPEC+, đang sản xuất khoảng 9 triệu thùng dầu mỗi ngày, so với mức tối đa khoảng 12 triệu thùng/ngày. Ảnh: Todd Korol/Reuters

Nguồn cung dầu sẽ là nội dung chính trong cuộc họp của OPEC+

Ả Rập Saudi, Nga và các thành viên khác của OPEC+ đã cam kết cắt giảm tổng sản lượng dầu là 5,16 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5% nhu cầu hàng ngày trên toàn cầu, trong một loạt chính sách bắt đầu vào cuối năm 2022. Việc cắt giảm bao gồm 3,66 triệu thùng/ngày của OPEC+ và các đợt cắt giảm tự nguyện bổ sung của Ả Rập Saudi và Nga.

Sau khi giá chạm mức thấp nhất trong 4 tháng là 77 USD/thùng trong tuần này, một số nguồn tin cho biết Ả Rập Saudi rất có thể sẽ gia hạn mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày ít nhất cho đến mùa xuân.

Các nhà phân tích cho rằng, việc gia hạn cắt giảm dầu của Ả Rập Saudi làm tăng nguy cơ nền kinh tế nước này bị thu hẹp trong năm nay. Ả Rập Saudi đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp trước rằng họ muốn thấy sự tuân thủ mạnh mẽ đối với việc cắt giảm để tất cả các thành viên chia sẻ gánh nặng sản xuất ít hơn.

Hiện tại, Ả Rập Saudi sản xuất khoảng 9 triệu thùng/ngày, so với mức tối đa là khoảng 12 triệu thùng/ngày. Việc cắt giảm thêm, đang được OPEC+ thảo luận khi họ chuẩn bị gặp nhau tại Vienna vào ngày 26/11, có thể gây căng thẳng với Mỹ.

Một nguồn tin giấu tên của OPEC+ cho biết, các biện pháp hạn chế hiện tại có thể là không đủ và nhóm có thể sẽ phân tích xem liệu có thể thực hiện thêm nhiều biện pháp hạn chế khác khi nhóm họp hay không. Hai nguồn tin khác của OPEC+ cho biết việc cắt giảm sâu hơn có thể được thảo luận.

Trong khi giá dầu giảm là nguyên nhân chính, các thành viên OPEC+ cũng bày tỏ sự giận dữ trước cuộc xung đột của Israel với Hamas và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Financial Times dẫn nguồn tin cho biết, một mức cắt giảm bổ sung của OPEC+ lên tới 1 triệu thùng/ngày có thể được đặt ra, đồng thời mô tả thoả thuận này đang “được kích thích” bởi cuộc xung đột, mặc dù sẽ không lặp lại cú sốc dầu mỏ những năm 1970. Hiện Kuwait, Algeria và Iran nằm trong số các thành viên OPEC bị tác động nhiều nhất bởi cuộc xung đột.

Chưa có quyết định chính xác nào được Saudi Arabia đưa ra. Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, gần đây đã chỉ trích các quỹ phòng hộ đã tăng đặt cược vào dầu, trong bối cảnh kỳ vọng rằng thị trường có thể chuyển sang trạng thái thặng dư nhỏ vào năm tới do nền kinh tế toàn cầu suy yếu và nguồn cung bên ngoài OPEC tăng.

Christyan Malek tại JPMorgan cho biết, OPEC+ có thể thực hiện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày để ngăn chặn “sự suy yếu về nhu cầu tiềm tàng” trong nửa đầu năm tới, trong khi Ả Rập Saudi đang tìm kiếm các thành viên khác để “chia sẻ gánh nặng” của bất kỳ đợt cắt giảm nào nữa.

Các nhà phân tích khác cho rằng, Hoàng tử Abdulaziz có thể thúc đẩy các nước khác cắt giảm sâu hơn - hoặc tuân thủ các cam kết trước đây về giảm sản lượng - bằng cách nhấn mạnh Ả Rập Saudi có thể quay trở lại sản xuất tối đa trừ khi các bước đó được thực hiện.

Nga, một thành viên OPEC+ phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, đã tăng cường xuất khẩu bằng đường biển trong những tháng gần đây. Các nhà phân tích cho rằng, chương trình cải cách kinh tế của anh trai cùng cha khác mẹ của Hoàng tử Abdulaziz, Thái tử Mohammed bin Salman yêu cầu giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng. Kế hoạch bao gồm từ việc xây dựng các thành phố siêu hiện đại đến tổ chức Giải bóng đá thế giới 2034. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, các thành viên OPEC+ sẽ tiến hành một cách thận trọng, lưu tâm đến vai trò ngày càng tăng của họ trên trường quốc tế.

OPEC+ cân nhắc việc cắt giảm thêm sản lượng để cứu giá dầu
Giá giảm gây áp lực lên Ả Rập Saudi, Nga và các thành viên khác của OPEC + trước cuộc họp của họ vào ngày 26/11. Ảnh: Leonhard Foeger/Reuters

Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi tổ chức cuộc đàm phán về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc tại Dubai trong tháng này. Helima Croft, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của RBC Capital Markets, cho biết: “Đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm ở Trung Đông. Mặc dù thị trường dầu mỏ phần lớn đã coi thường xung đột đang lan rộng, nhưng vẫn có những rủi ro lớn, đặc biệt là ở biên giới phía bắc của Israel với Lebanon, nơi cuộc đối đầu với Hizbollah có thể đưa Iran vào cuộc xung đột”.

Thị trường dầu mỏ có thể trở lại trạng thái dư thừa

Trong diễn biến liên quan, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7 vào ngày 16/11, gây áp lực lên OPEC+. Dầu thô Brent, tiêu chuẩn dầu quốc tế, đã giảm 4,6%, một trong những mức giảm hàng ngày lớn nhất trong năm nay - xuống mức 77,42 USD/thùng, dưới mức 80 USD mà ngân sách chính phủ bắt đầu căng thẳng đối với Ả Rập Saudi và Nga. Giá dầu chuẩn West Texas Middle của Mỹ giảm 5,5% xuống 72,48 USD/thùng.

Tại cuộc họp chính sách cuối cùng vào tháng 6, OPEC+ đã đồng ý về một thỏa thuận rộng rãi nhằm hạn chế nguồn cung đến năm 2024 và Ả Rập Saudi cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7; kể từ đó họ đã kéo dài đến cuối năm 2023. Một số nhà phân tích bao gồm Energy Aspect kỳ vọng Ả Rập Saudi sẽ duy trì mức cắt giảm tự nguyện đến ít nhất là quý đầu tiên của năm 2024.

Giá giảm gây áp lực lên Ả Rập Saudi, Nga và các thành viên khác của OPEC. “Có thể có một số thử nghiệm trước cuộc họp OPEC+. Trước đây, họ thường xuyên thông báo cắt giảm hoặc kéo dài thời gian cắt giảm với mức giá trong khoảng 82 - 85 USD” - Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ tại Goldman Sachs cho biết. “Kỳ vọng hiện tại của chúng tôi là việc cắt giảm của Saudi sẽ được kéo dài hoàn toàn đến nửa đầu năm tới, không có kỳ vọng về việc cắt giảm theo nhóm” – Struyve nói.

Giá dầu đã chịu áp lực trong phần lớn năm 2023, nhưng đã bắt đầu tăng vào mùa hè sau khi Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu nhóm OPEC+ bằng cách cắt giảm thêm sản lượng và xuất khẩu.

Ngày 14/11, Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết, thị trường dầu mỏ sẽ trở lại trạng thái dư thừa vào đầu năm 2024, ngay cả khi Ả Rập Saudi gia hạn cắt giảm sản lượng trong năm nay. Nguồn cung tiếp tục tăng bên ngoài các quốc gia OPEC+, trong đó Mỹ, Guyana và Brazil đều tăng sản lượng dầu của họ. Chính phủ Brazil đã đặt mục tiêu trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới vào năm 2029.

Edward Gardner - nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, cho biết việc cắt giảm “chỉ đơn giản là dẫn đến thị phần của OPEC+ thấp hơn. Việc giảm giá này là do sự thay đổi trong cán cân cung cầu. Nguồn cung dường như không bị hạn chế như mong đợi”.

Ngày 15/11, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ báo cáo tồn kho dầu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước lên tổng cộng 421,9 triệu thùng, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích đã dự báo mức tăng 1,8 triệu thùng trước đó.

Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa trưởng tại SEB cho biết: “Bây giờ OPEC+ phải đưa ra những tín hiệu mạnh mẽ trong cuộc họp sắp tới. Tôi nghĩ Ả Rập Saudi sẽ yêu cầu Kuwait, Iraq và UAE cắt giảm thêm, và đó sẽ là một cuộc thảo luận khó khăn”.