Đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng

Năm 2019, các nhiệm vụ tài chính, ngân sách của nước ta gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cũng trong năm này, cơ quan Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu, tăng cường chống thất thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Đồng thời, các ngành, các cấp đã đồng hành cùng Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh giúp cho công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 đạt được kết quả tích cực.

Phản ánh khách quan, trung thực công tác quản lý tài chính
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chủ động và quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp trong tổ chức, điều hành dự toán chi ngân sách, quản lý chặt chẽ các khoản chi, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí và bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định nền kinh tế.

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 được tổng hợp từ báo cáo quyết toán ngân sách của các tỉnh, thành phố đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn và quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương được cơ quan tài chính thẩm định. Số liệu quyết toán NSNN năm 2019 đã được đối chiếu, xác nhận của KBNN và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán.

Theo đó, số liệu quyết toán NSNN năm 2019 được phản ánh rất cụ thể như sau: Dự toán thu NSNN là 1.411.300 tỷ đồng, quyết toán 1.533.612 tỷ đồng, vượt dự toán trên 10%. Dự toán chi NSNN là 1.633.300 tỷ đồng, quyết toán 1.526.893 tỷ đồng, tương đương 93,5% so với dự toán, giảm 106.407 tỷ đồng so với dự toán được giao. Dự toán bội chi NSNN là 222.000 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP; quyết toán số bội chi NSNN là 161.491 tỷ đồng, bằng 2,67% GDP thực tế, giảm 60.509 tỷ đồng (1% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định.

Sau khi trình Quốc hội biểu quyết, thông qua, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 được đánh giá là đã hoàn thành dự toán do Quốc hội quyết định, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng báo cáo

Theo báo cáo từ KBNN, mặc dù Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 đã được hoàn thành theo đúng tiến độ và đạt chất lượng cao nhưng các tồn tại vẫn hiện hữu.

Đơn cử như cơ cấu thu NSNN chưa bền vững khi số tăng thu năm 2019 chủ yếu xuất phát từ đất đai, tài nguyên và tăng thu từ thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế.

Tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn chưa được khắc phục triệt để tại nhiều đơn vị và địa phương. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện 22/40 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn cải cách tiền lương, thu sử dụng đất... với số tiền 586 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý giảm chi NSNN 13.247 tỷ đồng. Tại KBNN, qua thực hiện kiểm soát chi, toàn hệ thống đã từ chối thanh toán 68,3 tỷ đồng các khoản chi không đúng chế độ.

Chi đầu tư phát triển không đạt dự toán, sai phạm trong đầu tư xây dựng vẫn xảy ra. Kết quả từ cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm, trong đó, chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương chỉ đạt 60% so với dự toán. Nguyên nhân được chỉ ra là do công tác giao vốn tại một số địa phương chưa bám sát vào tình hình thực tế của các dự án. Quá trình điều hành và tổ chức thực hiện các dự án tại một số bộ, ngành, địa phương chưa linh hoạt, chưa đúng với quy định và tình hình thực tiễn. Từ các sai phạm này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý giảm chi đầu tư 3.931 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc chi chuyển nguồn NSNN và kết dư ngân sách địa phương lớn, có xu hướng gia tăng làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Cụ thể, số chi chuyển nguồn năm 2019 sang năm 2020 là 592.648 tỷ đồng, bằng 38,8% tổng chi NSNN, tăng trên 36% so với năm 2018. Đáng chú ý, có 27 địa phương chuyển nguồn cao hơn năm trước, cá biệt có địa phương chuyển nguồn vượt trên 50% so với chi chuyển nguồn năm trước.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế từ công tác quyết toán NSNN năm 2019, tại Nghị quyết số 22/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng NSNN; cải cách chính sách thu, chi để cơ cấu lại thu, chi ngân sách.

Chấn chỉnh tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế; chỉnh đốn công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán đến thực hiện và quyết toán. Quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách sai quy định.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng giao Chính phủ có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ông, thực hiện các khoản chi thường xuyên theo quy định để giảm mạnh chi chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn phát triển theo chiều hướng xấu và tác động rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, việc thu ngân sách tại nhiều địa phương cũng gặp khó khăn, do đó, Quốc hội đã yêu cầu công tác quản lý thu NSNN cần phải được thực hiện tốt hơn nữa theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện triệt để việc tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chậm triển khai để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống Covid-19... Các khoản thu, chi ngân sách phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Là cơ quan được giao thực hiện Báo cáo quyết toán NSNN, KBNN đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính chuẩn bị số liệu cho Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 và tham gia ý kiến về thẩm định quyết toán NSNN năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

8 báo cáo quyết toán ngân sách đã được thực hiện

Cho đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện được 6 báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của các năm từ 2014 đến 2019. Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội tán thành với tỷ lệ rất cao. Cụ thể, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 đạt tỷ lệ 82,59%; năm 2015 là 92,4%; năm 2016 là 95,48%; năm 2017 là 91,53%; năm 2018 là 93,17% và năm 2019 là 95,39%. Các báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của các năm đều được đánh giá là phản ánh trung thực những kết quả trong quản lý tài chính của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.