Quản lý thuế thương mại điện tử: Khó nhất là xác định nguồn thu, đối tượng nộp thuế
Thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử
Thương mại điện tử dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đã đã gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đại biểu cho rằng, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và đại dịch Covid-19 như một cú hích thúc đẩy TMĐT hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quản lý nhà nước về hoạt động TMĐT nói chung và quản lý thuế, phí đối với TMĐT còn bất cập. Trên cơ sở đó, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá về thực trạng và giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong khoảng 10 năm vừa qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng cũng như thị trường kinh doanh, những ứng dụng của công nghệ số xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong đời sống xã hội, như các trang TMĐT, quảng cáo trực tuyến, các ứng dụng hỗ trợ dịch vụ vận chuyển, giao nhận và các hình thức sản xuất, cung cấp dịch vụ có nội dung thông tin số.

Tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngành Thuế bước đầu thực hiện triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với TMĐT những năm qua và đã có kết quả đáng ghi nhận.

Quản chặt, chống thất thu thuế thương mại điện tử
Bộ Tài chính đã có nhiều phương án để chống thất thu thuế thương mại điện tử. Ảnh: TL.

Các tổ chức tại Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài đã thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên nền tảng số, một số cá nhân có thu nhập lớn từ việc cung cấp sản phẩm nội dung số (game online, video, music, clip...) cho các nền tảng Youtube, Apple, Google... đã tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Để triển khai việc quản lý thuế đối với TMĐT trên toàn quốc, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản chỉ đạo cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, đồng thời Tổng cục Thuế đã có một số công văn gửi các bộ, ban, ngành có liên quan như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) và Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu — C03) để cùng phối họp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, đặc thù của TMĐT với số lượng tổ chức, cá nhân kinh doanh rất lớn, khó xác định, khó nhận diện và khó để quản lý thu thuế theo các cách quản lý thuế truyền thống.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế đối với lĩnh vực kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phối hợp với các bộ, ban ngành, thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các tố chức, cá nhân kinh doanh và đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, thực hiện theo hướng quy định các tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức là đối tác của các nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế. Theo đó, đảm bảo cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế cũng như chi phí hành thu của cơ quan thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối với các tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về thuế từ hoạt động TMĐT.

Đặc biệt để tăng cường quản lý đối với hoạt động TMĐT, chống thất thu thuế, trốn thuế, gian lận thuế, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã xây dựng đề án: “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”.

Đề án hiện nay đã thực hiện được các giải pháp cụ thể như sau: Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, trong đó: thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và kiểm tra đối với một số tổ chức trong nước có hoạt động liên quan đến nền tảng số như doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT và doanh nghiệp hoạt động trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế thực hiện thúc đẩy công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và đơn vị có liên quan ký thoả thuận hợp tác; hiện đại hóa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT…/.