Cơ quan chức năng có thể thực thi chính sách một cách hiệu quả hơn nếu quy định có tính thực tế và rõ ràng, còn DN có thể chuẩn bị tốt và ít sai sót hơn. Điều này làm tăng cường thương mại và vị thế cạnh tranh của Việt Nam.
* PV: Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN. Với Eurocham, mối quan hệ đối tác này được triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
- Ông George E. Berczely: Hải quan Việt Nam đã phát triển các kế hoạch chiến lược cho giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hải quan. Các chính sách và định hướng rất rõ ràng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO (TFA WTO). Mục tiêu là giảm áp lực thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu thông qua việc đơn giản hóa quy trình, giảm các yêu cầu về thủ tục giấy tờ, cấp phép, tuân thủ tiêu chuẩn quản lý rủi ro...
Hải quan Việt Nam cũng đã triển khai thúc đẩy quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan và các bên liên quan như: Các công ty xuất - nhập khẩu và các tổ chức hậu cần; cơ quan chính phủ, hải quan ở các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế; tổ chức hải quan nội bộ.
Chúng tôi thấy sự cải thiện liên tục về mặt hỗ trợ tư vấn và thông tin với cộng đồng DN. Ví dụ, việc giới thiệu hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VSIS - Thông tư 191/2015/TT-BTC, có hiệu lực đầu năm 2016) áp dụng cho các dịnh vụ chuyển phát nhanh đã được chuẩn bị và tuyên truyền tốt hơn so với VNACCS năm 2014.
|
Thời gian qua, ngành Hải quan cũng đã tổ chức hội thảo với EuroCham và các hiệp hội DN nước ngoài khác nhằm truyền đạt biện pháp quản lý rủi ro đang được áp dụng. Theo thông tin từ phía hải quan, đã có khoảng 4.600 bản tin được đăng tải trên phương tiện truyền thông về 691 trường hợp khác nhau. Hải quan cũng đã tổ chức 20 chương trình, 67 hội thảo và 50 tọa đàm trong năm 2016 nhằm đào tạo và nâng cao kỹ năng, kiến thức của các cơ quan hải quan và DN. Chúng tôi hoan nghênh bước tiến này.
* PV: Xin ông cho biết, triển khai các hoạt động trong mối quan hệ đối tác này có tác động thế nào trong việc thực hiện thủ tục hải quan, cũng như việc tuân thủ pháp luật về hải quan của DN?
- Ông George E. Berczely: Sau khi áp dụng, các buổi đối thoại trực tiếp đã nêu ra các điểm chưa nhất quán giữa các cơ quan trung ương (đơn vị ban hành hướng dẫn) và chính quyền địa phương (đơn vị thực hiện). Cộng đồng DN có thể hỗ trợ trong bước “quản lý thay đổi" rất cần thiết này. Tương tự, cơ quan chức năng có thể nêu ra những sai sót trong việc hiểu và thực thi các quy định từ phía DN. Hải quan và các DN hậu cần có thể hợp tác hướng dẫn chủ hàng và thương nhân trong nước thực hiện đúng quy định hải quan.
Ví dụ, sau khi ban hành Thông tư 37/2015/TT-BCT (có hiệu lực ngày 26/11/2016), quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt cho nhiều loại vải, ảnh hưởng hầu hết các mặt hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến phản hồi của cộng đồng DN và ban hành Thông tư 23/2016/TT-BCT thay thế. Đây là một động thái rất tích cực. Tuy nhiên, nếu Thông tư 37 được đưa ra tham vấn ở dạng dự thảo trước khi ban hành, quy trình đã có thể đơn giản và hiệu quả hơn.
Cải thiện quan hệ đối tác đem lại lợi ích song phương. Cơ quan chức năng có thể thực thi chính sách một cách hiệu quả hơn nếu quy định có tính thực tế và rõ ràng, còn DN có thể chuẩn bị tốt và ít sai sót hơn. Điều này tăng cường thương mại và vị thế cạnh tranh của Việt Nam.
* PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Hải quan xác định trong năm 2016 là thay đổi về chất mối quan hệ đối tác hải quan - DN. Ông có góp ý gì để quan hệ đối tác ngày thực sự chuyển biến về chất, trong thời gian tới?
- Ông George E. Berczely: Tiểu Ban Vận tải và Hậu cần thuộc EuroCham mong muốn đóng góp các khuyến nghị nhằm phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN như sau:
Ngành Hải quan thúc đẩy công tác tuyên truyền nhận thức trong cộng đồng DN; chính thức hóa quy trình tham vấn dự thảo và các quy định hiện hành; thành lập Ủy ban Quốc gia về TFA WTO, điều phối thông quan và tổ chức đối thoại quản lý chuyên sâu giữa các chính phủ và DN.
Cơ quan hải quan hỗ trợ DN nhiều hơn nữa, giúp DN hiểu rõ các quy định thông qua tập huấn và tuyên truyền thông tin, các cổng thông tin, cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng dịch vụ trực tuyến Cơ chế hải quan một cửa quốc gia; giải đáp các thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của DN qua các kênh khác nhau như đường dây nóng, hòm thư góp ý, bộ phận vấn đáp Cơ chế hải quan một cửa quốc gia.
Công khai các thông tin như thời gian giải quyết lô hàng, chi phí kiểm định, thời gian cần thiết để chuẩn bị hồ sơ thông quan, khối lượng giao dịch...; công khai lộ trình của tất cả các thủ tục hành chính vào một cửa quốc gia và cho phép các cộng đồng DN góp ý.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Luyện Vũ (thực hiện)