Công chức Kho bạc Nhà nước Cầu Giấy- Hà Nội rà soát chứng từ thanh toán vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Hạnh Thảo |
Kịp thời nhận diện sai sót
Theo cảnh báo rủi ro hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN), trong số các vụ việc lợi dụng chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước (NSNN), có đến 91% là do các đơn vị dự toán cố ý làm trái quy định, trong đó có 57% là của các đơn vị dự toán trường học mà đối tượng chính là các phụ trách kế toán…
Theo đó, để cảnh báo và hạn chế những rủi ro xảy ra, gây thất thoát NSNN, KBNN đã thường xuyên ra các chỉ thị chỉ đạo các đơn vị KBNN trực thuộc nâng cao hiệu quả công tác này.
Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, cùng với việc xây dựng, hình thành Kho dữ liệu dùng chung phục vụ công tác khai thác số liệu, tổng hợp báo cáo của công chức nghiệp vụ kho bạc, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra được KBNN cấp quyền truy cập, khai thác hiệu quả thông tin tại Kho dữ liệu dùng chung nhằm kịp thời phát hiện những rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ, từ đó cảnh báo, hoặc chấn chỉnh chung trong toàn hệ thống.
Tuy nhiên, hoạt động rủi ro mới dừng ở việc kiểm tra nội bộ đối với một số hoạt động nghiệp vụ của KBNN. Trách nhiệm và quyền hạn của các cá nhân, đơn vị thuộc KBNN trong quản lý rủi ro lại chưa được phân định rõ ràng. Xuất phát từ thực tế này, năm 2020, KBNN đã ban hành quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước. Quy trình được thiết kế theo hướng mở, quy định đầy đủ trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong quản lý rủi ro (nhận diện rủi ro, đánh giá rủi ro, phòng ngừa, xử lý rủi ro và báo cáo rủi ro). Quy trình này đã trở thành công cụ quan trọng giúp công tác kiểm soát rủi ro được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời trong quá trình quản lý ngân quỹ nhà nước…
Theo báo cáo từ Vụ Thanh tra - Kiểm tra, KBNN, trong quý I vừa qua, toàn hệ thống đã thực hiện 177 cuộc kiểm tra nội bộ; triển khai thực hiện giám sát từ xa KBNN các cấp thông qua các nghiệp vụ: Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong kiểm soát chi NSNN qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của kho bạc thông qua tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT; điện tra soát trong thanh toán với ngân hàng trên cơ sở phân tích, tổng hợp dữ liệu trên Chương trình thanh toán song phương điện tử; việc quản lý, sử dụng chứng thư số và việc chấp hành định mức tồn quỹ.
Thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra và cảnh báo rủi ro, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã kịp thời ngăn chặn những sai sót, tồn tại, hạn chế trong việc quản lý và sử dụng NSNN, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho kho bạc quản lý.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra nội bộ
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã định hướng, KBNN tiếp tục đổi mới phương thức kiểm soát chi NSNN theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, KBNN đã đề ra kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nội bộ, chú trọng công tác kiểm tra đột xuất và tự kiểm tra để từ đó phát hiện các sai sót tiềm ẩn rủi ro, xử lý và cảnh báo cho các đơn vị KBNN trực thuộc.
Đồng thời, KBNN tăng cường giám sát, nắm bắt diễn biến hoạt động của các đơn vị để có cảnh báo kịp thời. Nghiên cứu mở rộng lĩnh vực, nội dung cảnh báo rủi ro thông qua hoạt động giám sát từ xa đối với các mặt hoạt động nghiệp vụ, hình thành hệ thống giám sát phòng ngừa rủi ro hoạt động nghiệp vụ KBNN; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nội dung đánh giá rủi ro cho các mặt hoạt động và thiết lập các tiêu chí đánh giá, xếp hạng KBNN các cấp thông qua hoạt động giám sát từ xa.
Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục nghiên cứu phương án vận hành ổn định DVCTT; đẩy nhanh việc liên thông DVCTT với ĐTKB-GD (chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN) đối với loại giao dịch chi đầu tư, đảm bảo an toàn dữ liệu, hạn chế tối đa sự nhầm lẫn của các giao dịch viên.
Đặc biệt, KBNN tăng cường kiểm tra đột xuất KBNN các cấp, nhất là công tác kiểm tra đột xuất của KBNN cấp tỉnh với các đơn vị trực thuộc; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác thanh tra; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tồn tại, hạn chế phát hiện qua các cuộc kiểm tra tại KBNN cấp tỉnh, huyện; bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát từ xa, kịp thời ngăn chặn, phát hiện các rủi ro có thể gây mất an toàn tiền và tài sản nhà nước giao KBNN quản lý.
Phát hiện các tồn tại, sai sót qua kiểm tra an toàn kho quỹ Trong giai đoạn 2017 - 2022, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện 6.892 cuộc kiểm tra an toàn kho quỹ, trong đó có 6.036 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và 856 cuộc kiểm tra đột xuất. Thông qua kiểm tra an toàn kho quỹ, hệ thống KBNN đã phát hiện các tồn tại, sai sót và các kẽ hở của cơ chế, chính sách, đồng thời cơ bản nhận diện được những nguy cơ rủi ro để cảnh báo và phòng ngừa từ xa. |