Ngành Hải quan đã tiên phong áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro Hồi cuối năm 2015, câu chuyện một doanh nghiệp lớn ở Quảng Trị bị thanh tra, kiểm tra tới 45 lần trong một năm đã khiến nhiều người bất ngờ. Điều đáng nói là từng ấy lần thanh tra kiểm tra không phát hiện ra sai phạm nào tại doanh nghiệp này.

Thanh tra nhiều có tốt?

Trên thực tế, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, “thanh tra kiểm tra đang là một gánh gặng của doanh nghiệp, không phân biệt người gian kẻ tốt, một người đau bụng là cả làng phải uống thuốc đắng”.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng khi được báo cáo con số gần 500 nghìn cuộc thanh tra trong 5 năm qua, cũng đã lưu ý cấp dưới rằng không phải cứ thanh tra nhiều là tốt. “Quan trọng là chất lượng của thanh tra. Thanh tra phải gần gũi, tìm cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh. Phải xử lý công bằng và đừng đặt “vấn đề” với người dân. Thanh tra không phải “ngáo ộp” đi dọa dân, dọa doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Có nhiều biện pháp để vừa giảm “gánh nặng” thanh tra kiểm tra cho doanh nghiệp, trong khi vẫn đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước. Trong đó, giải pháp rất quan trọng là áp dụng quản lý rủi ro và Hải quan là ngành đã đi tiên phong trong việc áp dụng giải pháp này.

Cho đến nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không còn lạ lẫm với những “luồng xanh” (miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), “luồng vàng” (chỉ kiểm tra hồ sơ), “luồng đỏ” (kiểm tra cả hồ sơ và thực tế hàng hóa). Đây chính là kết quả của việc quản lý rủi ro, khi cơ quan Hải quan dựa trên dữ liệu về lịch sử chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp mà đưa ra cách xử lý phù hợp. Hơn nữa, những doanh nghiệp chấp hành tốt nhất còn có thể được đưa vào diện ưu tiên hải quan với những ưu đãi đặc biệt.

Những yêu cầu của Chính phủ

Từ thực tiễn trong lĩnh vực Hải quan, tại Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính ban hành chế độ quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra về thuế và làm sao đến cuối năm 2016, phải đạt mức ASEAN-4 về chỉ tiêu quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế.

Còn tại Quyết định 2026/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ ngành áp dụng phương pháp quản lỷ rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành, như kiểm tra xác suất hoặc kiểm tra sau thông quan với hàng hóa có độ rủi ro thấp, hàng hóa có xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển, hoặc hàng hóa của doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, cuối năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và từ 4/2, các doanh nghiệp bắt đầu được ngành Thuế phân loại thành 6 hạng, từ rủi ro rất thấp đến rủi ro rất cao. Cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát trên cơ sở đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro cao, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với những trường hợp được đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro thấp. Đồng thời, doanh nghiệp loại 1 và loại 2 sẽ được thuận lợi hơn trong việc hoàn thuế, sử dụng hóa đơn v.v… so với các doanh nghiệp từ loại 3 trở xuống.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc áp dụng cơ chế quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ nguồn lực một cách hợp lý trong việc thực thi nhiệm vụ quản lý thuế, đồng thời giúp người nộp thuế đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ cơ quan thuế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm, tự ý gây nhũng nhiễu của cán bộ thuế trực tiếp quản lý đối tượng nộp thuế.

Trong khi đó, trong lĩnh vực giám sát doanh nghiệp nói chung, trên cơ sở đề nghị của Bộ KHĐT, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, trong đó yêu cầu UBND cấp tỉnh phải xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát doanh nghiệp một cách chủ động và trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều này có nghĩa là sẽ phải phân luồng doanh nghiệp theo các hành vi rủi ro để có cơ chế kiểm soát, giám sát. Điều quan trọng là, các địa phương phải xác định đâu là các hành vi cần quan tâm, từ đó xác định cơ chế giám sát và phương án xử lý… “Đây là thay đổi rất lớn trong tư duy quản lý nhà nước, nhưng phải làm thì tinh thần mới của Luật Doanh nghiệp mới thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế”, ông Hiếu nói.

Thay đổi căn bản tư duy quản lý

Thực tế cho thấy, việc quản lý rủi ro sẽ giúp các cơ quan quản lý có thể tập trung nguồn lực vào những doanh nghiệp, những lĩnh vực có rủi ro cao thay vì dàn trải như trước đây, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đồng thời cũng giảm rất nhiều gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho các doanh nghiệp. Tại Hải quan TP Hồ Chí Minh, số liệu cho thấy, nhờ áp dụng quản lý rủi ro, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa giảm từ 16% (năm 2014) xuống còn 5,54% năm 2015, nhưng lại hiệu quả hơn khi tỷ lệ phát hiện vi phạm tăng từ 0,23% lên 1,15%.

Một trong những lo ngại lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, chính là gánh nặng thanh tra, kiểm tra. “Dường như doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh càng thành công, thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không thể lớn lên”, ông Lộc chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, giải pháp phù hợp không phải là tăng kiểm tra, tăng xử phạt, mà quan trọng hơn là quy trình, là công nghệ quản lý. Thực tế cho thấy không chỉ tại Việt Nam, mà nói chung không một nhà nước nào có đủ nguồn lực để kiểm soát tất cả các nguy cơ, vậy thì phải tập trung vào những khâu, những lĩnh vực, những doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm, rủi ro cao, có khả năng gây ra hậu quả lớn.

“Làm như vậy vừa kiểm soát được các nguy cơ, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ tự nguyện, tự giác chấp hành luật pháp vì thấy rằng càng chấp hành tốt thì càng ít bị kiểm tra”, ông Cung nói và cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng rằng phương thức quản lý rủi ro sẽ tạo đột phá, góp phần thay đổi căn bản tư duy và cách thức quản lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân

Theo Chinhphu.vn