Quảng Ninh: Công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành 2021
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao chứng nhận DDCI cho các đơn vị.

DDCI Quảng Ninh 2021 dựa trên sự tổng hợp ý kiến của khoảng 1.972 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ danh sách 6.500 doanh nghiệp với 12.500 phiếu gửi đi. Tỷ lệ hồi đáp khối địa phương đạt 34,9% và khối sở, ban, ngành đạt 36,2% (gần tương đương với tỷ lệ 36,2% năm 2020, nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ khoảng 30% của năm 2018 và 34,65% năm 2019) với rất nhiều doanh nghiệp tích cực đóng góp ý kiến bổ sung, thể hiện sự tin tưởng vào Hệ thống cơ quan chính quyền và Bộ chỉ số đánh giá DDCI của tỉnh Quảng Ninh.

Vai trò giám sát độc lập của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được phát huy hiệu quả và có sự tham gia giám sát độc lập ngay từ đầu, như: kiểm soát số lượng phiếu phát hành, số lượng phiếu thu về; trực tiếp giám sát việc đánh giá, khảo sát tại thực địa; kiểm tra niêm phong khi tiếp nhận phiếu hỏi từ bưu điện; giám sát công tác nhập liệu, thu phiếu; giám sát lượng phiếu về của doanh nghiệp trả lời trên platform trực tuyến.

Năm 2021, DDCI Quảng Ninh chính thức áp dụng triển khai sử dụng platform khảo sát trực tuyến chuyên dụng trên diện rộng, đảm bảo tính định danh và xác thực đối với doanh nghiệp tham gia khảo sát. Hình thức khảo sát ứng dụng công nghệ hiện đại này đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh do tính thuận tiện, thao tác dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Khảo sát DDCI Quảng Ninh 2021 tiếp tục sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh gắn với hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Kết quả xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2021:

Khối sở, ban, ngành: Cục Hải quan quay trở lại vị trí quán quân với điểm số 78,48 sau một năm nhường vị trí này cho BQL Khu kinh tế. Có 4/5 đơn vị ở tốp đầu năm 2020 tiếp tục nằm trong nhóm "Rất tốt' này. Sở Kế hoạch và Đầu tư quay trở lại nhóm "Rất tốt" thay vị trí của Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Quảng Ninh.

Khối các huyện, thị xã, thành phố: Thị xã Quảng Yên lấy lại vị trí dẫn đầu với 79,83 điểm; tiếp sau là Thị xã Đông Triều (73 điểm).

Điểm đáng chú ý trong xếp hạng DDCI Quảng Ninh năm nay là chênh lệch điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối không lớn như những năm trước; các chỉ số thành phần có xu hướng hội tụ điểm về các mức cao hơn, cho thấy tất cả các cơ quan chính quyền của tỉnh trong năm vừa qua đều hết sức nỗ lực triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và đã được cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh ghi nhận.

Là một trong những địa phương tiên phong triển khai và được đánh giá là bài bản, chuyên nghiệp, Quảng Ninh không ngừng hoàn thiện, chuẩn hóa bộ chỉ số DDCI và tiếp tục tìm kiếm ý tưởng mới trong năm 2021.

Chẳng hạn như, trong năm nay, DDCI Quảng Ninh đã đưa thêm 2 chỉ tiêu cứng để đánh giá khối địa phương, đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thực tế so với kế hoạch và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới của địa phương so với số tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Việc đưa hai tiêu chí cứng này vào đánh giá giúp cho thứ hạng của các địa phương phản ánh tốt hơn kết quả thực tiễn của việc điều hành kinh tế của các chính quyền địa phương.

DDCI Quảng Ninh 2021 là dấu mốc đáng nhớ ghi lại hành trình 7 năm bền bỉ và đầy trách nhiệm của chính quyền các cấp cũng như của cộng đồng doanh nghiệp góp phần xây dựng thương hiệu môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Quảng Ninh.

DDCI Quảng Ninh 2021 còn là năm đầu tiên ghi nhận nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Dưới đây là những kết quả nổi bật của DDCI Quảng Ninh 2021.

Thứ nhất, điểm trung vị của cả hai khối năm 2021 đều được cải thiện so với năm 2020. Khối địa phương đạt 66,72 điểm, tăng gần 3 điểm phần trăm so với năm 2020. Còn Khối sở ban ngành năm 2021 là 63,46 điểm, tăng mạnh từ 55,2 điểm năm 2020. Bên cạnh đó, sự khác biệt về điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối của cả hai khối cũng hẹp hơn nhiều các năm trước. Sự hội tụ điểm về các mức cao hơn cho thấy tất cả các cơ quan chính quyền của tỉnh trong năm vừa qua đều hết sức nỗ lực triển khai Nghị quyết 05 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh.

Rất nhiều chỉ tiêu liên quan đến chi phí thời gian tại cả hai khối SBN và địa phương đã dần tiệm cận mức cao nhất. Nhiều chỉ tiêu như quy trình và thủ tục TTHC dễ dàng, phí và lệ phí niêm yết công khai, thái độ của cán bộ tại các TTPVHCC v.v. đều đạt gần 100%.

Quảng Ninh: Công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành 2021
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao chứng nhận DDCI cho Sở Thông tin Truyền thông.

Đặc biệt là chỉ số Thiết chế và an ninh trật tự đã có sự cải thiện mạnh mẽ. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chính quyền chính quyền địa phương tạo cảm giác an toàn cho người lao động của doanh nghiệp đạt 90%; đánh giá chính quyền chính quyền địa phương giải quyết có hiệu quả các vụ việc mất cắp, thiệt hại tài sản trên địa bàn đạt 80% và kiên quyết xử lý các vụ lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, vi phạm quy định bảo vệ môi trường đạt 82%. Các tỷ lệ này đều có xu hướng tăng từ 2 đến 3 điểm phần trăm so với năm 2020.

Về chỉ số Khả năng tiếp cận đất đai và phát triển cơ sở hạ tầng, khoảng 80% doanh nghiệp đánh giá mặt bằng kinh doanh đang sử dụng đáp ứng đủ hoặc tương đối đủ nhu cầu SXKD; khoảng 94% doanh nghiệp đánh giá chất lượng đường xá, điện, nước sạch, nước thải, và thu gom rác thải không thay đổi hoặc tốt hơn.

Về chỉ số Chi phí thời gian, trong số các DN đã từng đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) ở Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) của các địa phương, 96% đánh giá quy trình và thủ tục thực hiện TTHC dễ dàng; 97% đánh giá cán bộ tại TTPVHCC ứng xử chuyên nghiệp, đúng mực.

Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hơn 31% DN tham gia các hoạt động đối thoại do chính quyền địa phương và 26% DN tham gia các hoạt động đối thoại do sở ban ngành tổ chức; trong đó, hơn 93% DN cho rằng các vấn đề, quan ngại của họ được phản ánh đầy đủ trong các cuộc đối thoại với chính quyền địa phương và sở ban ngành; hơn 94% DN cho rằng chính quyền địa phương và sở ban ngành có kế hoạch cụ thể, tiếp thu và thay đổi sau đối thoại.

Các tiêu chí liên quan đến tính năng động và hiệu lực của hệ thống chính quyền địa phương và sở, ban, ngành, vai trò người đứng đầu cũng được đánh giá cao hơn so với năm trước. Kết quả là tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ lãnh đạo UBND chính quyền địa phương (mức độ ủng hộ từ điểm 4 trở lên trên thang 7 điểm) đã tăng từ 87% năm 2020 lên 91% năm 2021. Tương tự, tại khối sở, ban, ngành, tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ người đứng đầu sở, ban, ngành đã tăng từ khoảng 63% năm 2020 lên 69% năm 2021.

Tuy nhiên, khảo sát DDCI Quảng Ninh 2021 cũng chỉ ra nhiều điểm chưa có nhiều chuyển biến, cần được lưu ý cải thiện.

Tại khối Địa phương: Mới chỉ có 75% DN đánh giá các thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, và mua sắm công là dễ dàng; Còn khoảng 17% DN đánh giá số lần thanh tra, kiểm tra riêng của địa phương vượt quá yêu cầu thực tiễn chống dịch Covid-19; 20% DN vẫn phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ các cơ quan chính quyền địa phương, chưa có dấu hiệu cải tiện so với năm 2020.

Tỷ lệ DN đánh giá hiện tượng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, vi phạm quy định bảo vệ môi trường còn phổ biến trên địa bàn, vẫn chiếm tới 43%. Tiến độ và chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương còn khá khiêm tốn, với chỉ khoảng 50% DN đánh giá tích cực (mức 4 và 5 trên thang điểm 5).

Tại khối Sở, ban, ngành: Tỷ lệ DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn phổ biến tại SBN còn khá cao (khoảng 15% tổng số DN); tỷ lệ DN đánh giá việc “có mối quan hệ với cán bộ” sẽ giúp DN giải quyết TTHC nhanh cũng vẫn còn lớn (khoảng 44% tổng số DN). Tỷ lệ doanh nghiệp được tham gia các hoạt động hỗ trợ, đối thoại doanh nghiệp vẫn còn thấp, trung bình khoảng 32% DN tham gia ít nhất một chương trình hỗ trợ của các SBN; và khoảng 26% DN đã tham gia ít nhất một chương trình đối thoại

Vẫn còn khoảng 38% DN đánh giá văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến lĩnh vực quản lý của sở ban ngành do cấp tỉnh ban hành có tính khả thi thấp; và 39% đánh VBQPPL liên quan đến lĩnh vực quản lý của sở ban ngành do cấp tỉnh ban hành chậm so với nhu cầu thực tiễn. Vẫn còn khoảng 28% DN đánh giá sở ban ngành có hiện tượng trì hoãn/chậm trễ thực hiện các quyết định/chủ trương của UBND tỉnh.

DDCI Quảng Ninh một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán cầu thị và lắng nghe doanh nghiệp của chính quyền tỉnh qua các thời kỳ. DDCI giúp tất cả các đơn vị tham gia đánh giá phân tích bức tranh chi tiết hơn về năng lực, kết quả và tác động của hoạt động điều hành kinh tế.

Trưng cầu ý kiến doanh nghiệp thường niên một mặt giúp tỉnh Quảng Ninh xác định những nút thắt trong công tác điều hành, mặt khác trực tiếp hỗ trợ tất các đơn vị tham mưu điều hành trong công tác lập kế hoạch, triển khai và chủ động đánh giá.

Thông qua DDCI, tỉnh Quảng Ninh chân thành chuyển thông điệp đến cộng đồng doanh nghiệp cả nước và trong tỉnh về tầm nhìn phát triển hướng đến môi trường văn minh đáng sống, môi trường kinh doanh minh bạch, công khai và hướng tới sự phát triển doanh nghiệp bền vững./.