Đến hết tháng 4/2024, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 338,8 tỷ đồng, tăng 20,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 2,52% so với kế hoạch thu năm 2024. Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn thuộc nhóm địa phương nợ đọng BHXH, BHYT ở mức trung bình thấp của cả nước, nằm trong tầm kiểm soát.

Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH tại một số doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia, mà còn tác động đến chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, mà còn gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH
Cán bộ BHXH tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH. Ảnh: BHXH tỉnh Quảng Ninh.

Để thực hiện hiệu quả công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu, phối hợp với UBND cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT. Đồng thời, đơn vị đã thành lập đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ tại các đơn vị nợ đọng và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị trong dữ liệu của ngành Thuế cung cấp.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, kho bạc nhà nước cấp huyện thu BHXH, BHYT đối với các nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT, phấn đấu không để nợ BHXH, BHYT từ các đơn vị có nguồn ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, BHXH tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp, nhất là đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật BHXH. Đồng thời, đơn vị sẽ công khai danh sách các đơn vị trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng./.