BQ

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp

Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với mục tiêu tổng quát cũng như các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 của dự thảo nghị quyết.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 được xác định là:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%;

- Tốc độ tăng CPI khoảng 4%;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%;

- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP;

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%;

- Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường;

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%;

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%;

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp thu, bổ sung như dự thảo nghị quyết về các ý kiến đề nghị rà soát, tránh trùng lặp giữa nội dung "nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế" với nội dung "nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế"; đề nghị bổ sung nội dung "thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Về các chỉ tiêu chủ yếu, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng 6,8 - 7%. Có ý kiến đề nghị nên giữ như năm 2018 từ 6,5 - 6,7%. Về vấn đề này, UBTVQH cho biết chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%. Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6 - 6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề nghị quyết định chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%, có ý kiến đề nghị dưới 4,1%, không ghi "khoảng 4%". Theo UBTVQH, nhiều dự báo cho thấy sức ép lạm phát ngày càng lớn, giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện. Do vậy, chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, UBTVQH lưu ý Chính phủ mục tiêu Quốc hội đã giao về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.

Tại nghị quyết được thông qua, Quốc hội xác định, mục tiêu tổng quát trong năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các đô thị lớn

Về các giải pháp nhiệm vụ chủ yếu, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề. Trong đó, về lĩnh vực kinh tế tài chính, Quốc hội yêu cầu tập trung vào các giải pháp về tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên NSNN dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn. Đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN); phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ.

Tiếp tục xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh. Sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn. Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Tiếp tục tăng cường giám sát xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa ngân hàng thương mại và DN để ngăn chặn tình trạng các cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại thao túng, chi phối hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng phục vụ lợi ích cho các cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn./.

H.Y