Quy hoạch tổng thể cửa khẩu biên giới đường bộ
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, khang trang. Ảnh: Thiên Anh

Hệ thống cửa khẩu góp phần tích cực phát triển kinh tế

Năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Từ thời điểm đó đến nay, trên biên giới hai nước đã có 1 cửa khẩu song phương được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế; mở thêm 3 cặp cửa khẩu song phương. Trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, từ năm 2015 đến nay, nâng cấp được 3 cặp cửa khẩu quốc tế, 2 cặp cửa khẩu chính và khai trương 1 cặp cửa khẩu phụ.

Xây dựng mô hình cửa khẩu số thống nhất

Ngành Hải quan đang nghiên cứu xây dựng mô hình cửa khẩu số thống nhất áp dụng tại các cửa khẩu đường bộ. Đề án sẽ ứng dụng Cơ chế một cửa quốc gia liên thông hỗ trợ tổ chức, cá nhân triển khai nộp hồ sơ một lần và nhận kết quả trực tuyến. Các cơ quan quản lý nhà nước cập nhật kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ rút ngắn thời gian thông quan, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô và tính chất, đáp ứng nhu cầu qua lại biên giới, cửa khẩu của người, phương tiện, hàng hóa, góp phần tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan tại các tỉnh biên giới cũng như của cả nước.

Mặc dù đã có sự nâng cấp, song có một thực tế là, hạ tầng nhiều cửa khẩu vẫn còn yếu kém, đòi hỏi phải có quy hoạch tổng thể để nâng cao năng lực xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu. Nhiều cửa khẩu, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có các công trình cơ bản như: Quốc môn, nhà kiểm soát liên hợp, kho ngoại quan, khu dịch vụ xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế...; hoặc bố trí khu chức năng, phân luồng kiểm soát chưa phù hợp. Một số hạng mục công trình cửa khẩu, nhà kiểm soát liên hợp đã xuống cấp, chưa đảm bảo điều kiện làm việc cho các lực lượng chức năng, chưa tương xứng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng và kết nối với quốc gia đối diện.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang yêu cầu các đơn vị đóng tại địa phương rà soát, đánh giá thực trạng từng cửa khẩu về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý hải quan, bao gồm các khu chức năng, trung tâm logistics, vị trí lắp đặt barie; điều kiện kết nối giao thông từ cửa khẩu đến các địa phương trong nước; sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng giữa hai cửa khẩu ở hai bên biên giới… Việc rà soát này làm cơ sở để kiến nghị với UBND tỉnh, thành phố có sự quan tâm, đầu tư nâng cấp nhất định phù hợp với thực tế.

Phối hợp chặt chẽ để đảm bảo điều kiện quản lý

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2030, trên tuyến biên giới đường bộ sẽ mở và nâng cấp 6 cửa khẩu quốc tế gồm: Huổi Puốc (Điện Biên) – Na Son (Luông Pha Băng); Tén Tằn (Thanh Hóa) – Xổm Vẳng (Hủa Phăn); Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bo Ly Khăm Xay). Tầm nhìn đến năm 2050, mở, nâng cấp 6 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu chính và 2 cửa khẩu phụ.

Dự kiến trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 49 cửa khẩu, trong đó có 21 cửa khẩu quốc tế, 15 cửa khẩu chính và 13 cửa khẩu phụ. Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế. Bên cạnh số lượng, việc đảm bảo “chất lượng” hoạt động của các cửa khẩu là điều mà ngành Hải quan cũng như các ban, ngành, địa phương nơi có cửa khẩu đang lưu tâm.

Theo ông Nguyễn Anh Tài – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là cửa khẩu đường bộ lớn nhất trên tuyến biên giới Việt – Trung, song đang quá tải và cần sớm được nâng cấp. Có một điểm đáng mừng là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 – 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Khi được triển khai, hàng hóa qua cửa khẩu sẽ được thông quan 24/7 và giúp cho quản lý của lực lượng chức năng, trong đó có cơ quan hải quan ngày càng tốt hơn.

Ghi nhận tại Lao Bảo – điểm đầu cầu của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, hiện Quảng Trị đang xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế thương mại trên biên giới chung Lao Bảo – Đen Sa Vẳn (Savanakhet - Lào), nhằm mở đường, khơi thông thương mại xuyên biên giới trên tuyến hành lang này. Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và Savanakhet đã thành lập Tổ phối hợp nghiên cứu phát triển Khu vực thương mại tự do xuyên biên giới Lao Bảo - Savanakhet. Trong đó, tham mưu cho tỉnh về các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về hải quan hay chính sách thuế cho các doanh nghiệp có đầu tư tại khu thương mại tự do này.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng quy hoạch tổng thể khu vực cửa khẩu biên giới đất liền. Từ chỉ đạo này, ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Tổng cục đã yêu cầu Cục Hải quan các địa phương thường xuyên trao đổi, phối hợp với Ban Quản lý các khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, xây dựng, phát triển các quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu đáp ứng điều kiện giám sát hải quan và phù hợp với việc bố trí tổ chức, nhân sự cũng như trang thiết bị, máy móc của hải quan. Đồng thời, đảm bảo các khu, địa điểm nhà làm việc, các địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu./.