cháy nổ bảo hiểm phi nhân thọ

Rủi ro cháy nổ gây thiệt hại lớn cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Ảnh minh họa

11 doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao

Theo công bố mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, quý I/2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 7.542 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là Bảo hiểm PVI với doanh thu ước đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ, chiếm hơn 22% thị phần. Đứng thứ 2 là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 1.388 tỷ đồng, giảm 2,48% so với cùng kỳ, chiếm 18,4% thị phần, Bảo Minh đứng thứ 3 với doanh thu ước đạt 744 tỷ đồng, tăng 4,86% so với cùng kỳ, chiếm 9,86% thị phần.

Vị trí thứ 4 thuộc về Bảo hiểm PJICO với doanh thu ước đạt 535 tỷ đồng, tăng 8,85% so với cùng kỳ, chiếm 7,09% thị phần. Bảo hiểm PTI đứng thứ 5 với doanh thu ước đạt 529 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ, chiếm 7,02% thị phần.

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu thị trường phi nhân thọ, đạt 2.336 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,9%, tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt 1.606 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2%; bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại là 1.390 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,4%...

Cũng theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ quý I ước đạt 2.804 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 37,1% cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (33,2%)

Trong đó, 19/30 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 11 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 6 DNBH tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 50% là Bảo hiểm Liên hiệp (UIC), tỷ lệ bồi thường hơn 203%, Cathay (136,8%), Phú Hưng (89,8%), BSH (60,3%), Fubon (58,1%), Liberty (56,6%).

Cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro

Cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết, tỷ lệ thực bồi thường của Bảo hiểm UIC cao là do những tháng đầu năm 2015 bắt đầu thanh toán dần cho 2 vụ cháy lớn trong năm 2014 là vụ cháy Nhà máy mực in Sakata (Bình Dương) vào tháng 9/2014, ước số tiền bồi thường là 150 tỷ đồng và vụ cháy nhà kho Công ty Nippon Express ở Nội Bài, Hà Nội vào tháng 10/2014, ước số tiền bồi thường là 230 tỷ đồng.

Còn tỷ lệ thực bồi thường của Cathay cao là do tháng 3/2015, Cathay đã bồi thường cho CtyCP Công nghiệp Đông Hưng trong vụ việc xảy ra tại Bình Dương vào ngày 13/5/2014 với số tiền gần 10 tỷ đồng...

Hiện nay, rủi ro cháy nổ là một trong những nghiệp vụ gây thiệt hại lớn cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Theo cơ quan quản lý về bảo hiểm, thời gian tới cơ quan này sẽ tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện để DNBH nâng cao năng lực quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm giảm thiệt hại và tăng hiệu quả hoạt động. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DNBH tiếp cận hiện trường xảy ra tổn thất (cháy nổ)... đảm bảo bồi thường chính xác, phòng chống trục lợi bảo hiểm.

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, một trong những nghiệp vụ có mức tăng trưởng cao nhất nhưng cũng có tỷ lệ bồi thường cao, vừa qua Bộ Tài chính đã điều chỉnh biểu phí vật chất xe ô tô, phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô mới được áp dụng từ 1/5. Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, đây là tín hiệu tốt để DNBH tập trung nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, giảm thua lỗ nghiệp vụ, giảm cạnh tranh không lành mạnh...

Cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật nền, pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật dân sự (bỏ chương hợp đồng bảo hiểm), Bộ Luật Hình sự (bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm)..., tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững./.

Hồng Chi