Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế châu Á tiếp tục phát triển năng động
Ảnh minh họa

Tại cuộc họp báo ngày 13/4 trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của IMF, ông Krishna Srinivasan nhận định, tăng trưởng toàn cầu đang chuẩn bị giảm tốc trong bối cảnh lãi suất tăng và cuộc chiến của Nga ở Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Lạm phát vẫn ở mức cao và căng thẳng trong hệ thống ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã gây ra sự bất ổn lớn hơn trong bối cảnh kinh tế vốn đã phức tạp.

Tuy nhiên, cho đến nay nhu cầu nội địa của châu Á vẫn mạnh bất chấp việc thắt chặt tiền tệ, trong khi nhu cầu bên ngoài đối với các sản phẩm công nghệ và các mặt hàng xuất khẩu khác đang yếu đi. IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm nay đạt 4,6%, tăng 0,3 điểm % so với mức dự báo 3,8% đưa ra hồi tháng 10/2022 và sự điều chỉnh tăng này là do tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo đó, khu vực này sẽ đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Đối với các nền kinh tế phát triển của châu Á, tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ chậm lại ở mức 1,6%, thấp hơn so với kỳ vọng của IMF đưa ra vào năm ngoái.

Cụ thể, với Nhật Bản, tăng trưởng dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 1,3% vào năm 2023, được hỗ trợ bởi các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng. Tăng trưởng của Hàn Quốc cho năm 2023 được điều chỉnh xuống 1,5%, phản ánh đà tăng trưởng chậm lại một phần do chu kỳ công nghệ đi xuống và kết quả kinh doanh yếu trong quý IV/2022. Tại Ấn Độ, đà tăng trưởng sẽ bắt đầu chậm lại do nhu cầu trong nước yếu đi bù đắp cho nhu cầu dịch vụ bên ngoài mạnh mẽ; tăng trưởng dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 6,8% năm 2022 xuống 5,9% năm nay.

Các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng giảm từ 5,7% vào năm 2022 xuống còn 4,6% vào năm 2023, do đà tăng của nhu cầu trong nước giảm nhẹ, chính sách thắt chặt tiền tệ, giá cả hàng hóa thấp hơn và nhu cầu bên ngoài từ Mỹ và châu Âu yếu hơn.

Tại Australia, nhu cầu trong nước suy yếu liên quan đến việc thắt chặt tiền tệ, tăng các khoản thanh toán thế chấp và thu nhập khả dụng thực tế thấp hơn dự kiến sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng. Trong số các quốc đảo Thái Bình Dương, việc mở lại hoàn toàn biên giới cả trong nước và Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy du lịch, với mức tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 3,9% trong năm nay./.