Chi 1,43 tỷ USD nhập khẩu thịt

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 716,89 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.

Sản phẩm chăn nuôi Việt làm gì để giành lại
Người tiêu dùng lựa chọn thịt nhập khẩu vì giá rẻ. Ảnh: TL
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 22,45 ngàn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 110,35 triệu đô la, tăng 19% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2022.

Nước ta đang xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới, trong đó chủ yếu là các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Bỉ, Papua New Guinea, Malaysia, Campuchia, Pháp, Mỹ. Đặc biệt, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam với 9,63 ngàn tấn, trị giá 60 triệu đô la, tăng 25,3% về lượng và tăng 41% về trị giá so với năm 2022.

Còn theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nước ta chủ yếu nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 57 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất với 160,66 nghìn tấn, trị giá 476,44 triệu USD, tăng 6,1% về lượng so với năm 2022.

Cũng theo Bộ Công thương, thịt heo đang là loại thực phẩm có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 112,6 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 279,77 triệu USD, giảm 2,1% về lượng, nhưng tăng 11,8% về trị giá so với năm trước. Trong đó, chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, chiếm 40,67% trong tổng lượng nhập khẩu của cả nước; tiếp theo là Brazil chiếm 35,43%; Đức chiếm 5,7%; Canada chiếm 3,01%; Hoa Kỳ chiếm 2,54%...

Theo các chuyên gia kinh tế, lượng thịt heo nhập khẩu không chỉ tăng liên tục theo con đường chính ngạch mà tình trạng nhập lậu heo sống, sản phẩm thịt heo qua khu vực đường mòn, lối mở diễn ra thường xuyên và cũng tăng nhanh.

“Thực trạng này đã và đang gây áp lực rất lớn đối với sản xuất trong nước. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt sản xuất trong nước phải cạnh tranh sản phẩm nhập lậu giá rẻ, đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn” - ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiện nay đang có xu hướng cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, nhất là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Doanh nghiệp nội địa lép vế khi xuất khẩu thịt ra nước ngoài của nước ta chủ yếu từ một vài doanh nghiệp FDI.

Cần giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng cường chế biến sâu

Sở dĩ nước ta có truyền thống chăn nuôi từ lâu đời nhưng lại là nước nhập siêu sản phẩm thịt là do giá thành chăn nuôi của chúng ta khá cao nên không thể cạnh tranh với các sản phẩm thịt siêu rẻ từ các nước. Thực tế cho thấy, so với các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada, Úc, EU… thì chi phí giá thành chăn nuôi của Việt Nam có một khoảng cách lớn hơn do chất lượng giống chưa tốt, việc hao hụt từ dịch bệnh trong chăn nuôi còn cao. Chưa kể đến việc ngành chăn nuôi trong nước còn phụ thuộc vào nguồn thức ăn và thuốc thú y nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi nước nhà phát triển và hướng tới xuất khẩu sản phẩm, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ, từ nguồn vốn, nhất là cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nội địa cho đến đầu tư con giống, quy hoạch đất đai…

Sản phẩm chăn nuôi Việt làm gì để giành lại
Thịt lợn đang là loại thực phẩm có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, vấn đề tận dụng cơ hội để tiếp cận thị trường, xuất khẩu thịt từ quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới cũng cần được quan tâm. Song song với đó, chúng ta cần nhận diện rõ ràng, cụ thể những áp lực cạnh tranh về giá, về sự đa dạng sản phẩm mà ngành chăn nuôi phải đối mặt.

Về vấn đề này, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do với các cam kết về hội nhập thì sản phẩm chăn nuôi trong nước chắc chắn phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Theo đó, để cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu, sản phẩm chăn nuôi trong nước cần phải giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng cường chế biến sâu…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật để giám sát tốt hơn sản phẩm nhập khẩu. Song song với đó, hạn chế nhập khẩu qua đường tiểu ngạch để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh và thực phẩm không đảm bảo an toàn do sử dụng chất cấm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, đầu năm 2024, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thịt sang thị trường tiềm năng này. Được biết, hiện nay các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là thịt lợn.