nong truong

Một số địa phương, doanh nghiệp còn chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.

210/250 doanh nghiệp đã được duyệt phương án sắp xếp

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cả nước có 43 địa phương, 1 bộ, 1 tập đoàn và 4 tổng công ty quản lý các công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng phải xây dựng phương án tổng thể sắp xếp lại theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ.

Trong báo cáo mới nhất được công bố, cơ quan này cho biết, hiện tại việc thẩm định, phê duyệt Phương án sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp của các bộ, địa phương cơ bản đã hoàn thành.

Bộ NN&PTNT đã tổ chức thẩm định và có văn bản thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp của 41 địa phương, 1 bộ, 1 tập đoàn, 4 tổng công ty, gồm 246 doanh nghiệp (102 công ty nông nghiệp, 144 công ty lâm nghiệp).

Trong đó, 13 doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, 57 doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, 99 doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần, 27 doanh nghiệp chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, 4 doanh nghiệp chuyển thành đơn vị sự nghiệp (Ban quản lý rừng), 28 doanh nghiệp giải thể, 2 doanh nghiệp chưa xác định được mô hình chuyển đổi do vướng mắc về tài chính chưa được giải quyết.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp của 33 địa phương, 1 bộ, 1 tập đoàn và 4 tổng công ty gồm 210 doanh nghiệp (trên tổng số 250 doanh nghiệp phải sắp xếp).

Trong đó, 14 công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, 50 công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ công ích, 59 công ty cổ phần hóa nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, 37 công ty cổ phần hóa nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, 24 công ty chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, 3 công ty chuyển thành Ban Quản lý rừng phòng hộ, 23 công ty thực hiện giải thể.

Văn phòng Chính phủ đang thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp của 6 địa phương: Sơn La, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế.

Hiện tại, 2 địa phương đã có phương án được Bộ NN&PTNT thẩm định nhưng chưa hoàn thiện phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Cần Thơ, Ninh Thuận. Trong khi hai địa phương lớn nhất cả nước là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội chưa gửi Phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp để thẩm định.

Mấu chốt vẫn là công nợ và đất

Theo Bộ NN&PTNT, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt tiến độ do gặp nhiều khó khăn, liên quan đến đất đai, lao động, tài sản trên đất. Trong đó, một số địa phương, doanh nghiệp còn chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện sắp, xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, việc giải thể các công ty nông lâm nghiệp cũng đang ngổn ngang. Theo ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban Chỉ Đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT, qua quá trình triển khai giám sát đất đai nông lâm trường, công ty nông lâm nghiệp cho thấy rất khó khăn trong việc giải thể đối với đơn vị.

Cụ thể, theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải giải quyết xong công nợ mới được giải thể. Hiện nay, rất nhiều công ty nông lâm nghiệp thuộc diện Thủ tướng đã phê duyệt phương án giải thể rồi nhưng nếu không trang trải được công nợ theo đúng quy định của doanh nghiệp thì không giải thể được.

Một nguyên nhân khác, theo ông Doanh, hiện không ít công ty nông – lâm nghiệp có “vỏ” là doanh nghiệp nhà nước, nhưng “ruột” lại không còn hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp nhà nước nữa. Bởi, mang danh nghĩa đất đai họ vẫn quản lý, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng bên trong đó thì đã giao khoán hết cho các hộ dân, dân tự sản xuất kinh doanh, còn công ty chỉ đứng ra thu khoán. Thực tế này dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai, người nhận khoán tự mua đi bán lại, đất canh tác diễn ra rất phức tạp ở nhiều nông – lâm trường.

Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường, ông Doanh cho rằng, cần phải đổi mới tư duy trong cách làm từ người đứng đầu ngành cho tới lãnh đạo các doanh nghiệp. Phải thật sự quyết tâm cổ phần hóa, không vì một mục đích cá nhân mà cố giữ lại vốn cổ phần.

Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, theo phương án sắp xếp tổng thể của 47 đơn vị đã được thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp thuộc các đơn vị này quản lý là 2.376.431,53 ha (tổng diện tích đất của tất cả các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý khoảng 2.389.812,70 ha). Dự kiến tiếp tục giữ lại để sản xuất kinh doanh là: 1.932.243,25 ha; giao về địa phương quản lý là: 450.969,78 ha.

Hoàng Lâm