Sau cấm vận, Iran vẫn gặp khó trong thu hút FDI

Ảnh: Reuters

Các yếu tố khác có thể cản trở dòng vốn đầu tư chính là các lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực, sự thiếu hụt tài chính, rủi ro chính trị từ chế độ bảo vệ nền công nghiệp trong nước và rủi ro sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân, các luật sư và chuyên gia tư vấn cho biết.

Một vài công ty nước ngoài đã bắt tay đầu tư vào Iran với việc ký kết các thỏa thuận, sau khi các lệnh trừng phạt áp dụng đối với chương trình hạt nhật được dỡ bỏ vào cuối tuần trước và rất nhiều công ty khác muốn giao dịch với thị trường 80 triệu dân.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư nước ngoài phải mất ít nhất 6 tháng để có thể đến Iran. Bởi theo các chuyên gia, do các công ty đang phải mò mẫm tìm hướng trong một mạng lưới quan liêu và cấu trúc sở hữu không rõ ràng.

"Iran đã chịu sự áp dụng của các lệnh trừng phạt, do đó, nhiều công việc kinh doanh của các công ty nước ngoài tại đây sẽ không giống như ở các thị trường mới nổi khác", Farhad Alavi, Giám đốc quản lý của Akrivis Law Group tại Washington cho biết.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã yêu cần bộ máy chính phủ của mình tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, tuy nhiên cũng cảnh báo rằng con đường để Iran hội nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ còn rất dài.

Rouhani cho biết đất nước sản xuất dầu của ông cần từ 30 đến 50 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm để có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế mục tiêu 8%.

Trung bình Iran chỉ thu hút được 1,1 tỷ USD FDI mỗi năm trong giai đoạn 1996 đến 2004, trước khi các lệnh trừng phạt kinh tế được áp dụng, theo số liệu của Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển.

Bộ trưởng Kinh tế Iran Ali Teyyeb-Nia cho biết chính phủ nước này đang quyết tâm dỡ bỏ những quy định đang cản trở kinh doanh. Đây không phải là một công việc dễ dàng. Ông cho biết hiện Iran có tới 182.000 quy định kinh doanh. Trong đó, hầu hết các quy định vẫn còn tập trung vào các doanh nghiệp nội địa.

Vào đầu tháng 8/2015, ngay sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân, Rouhani cho biết Iran sẽ chào đón các nhà đầu tư nước ngoài nếu như họ sử dụng lao động trong nước và chia sẻ công nghệ. Điều này cho thấy ý định của chính phủ vẫn bảo hộ doanh nghiệp trong nước.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiện vẫn đang rất ngần ngại trong việc cam kết đầu tư vào thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị này./.

Mai Linh (Theo Reuters)