“Chững lại” do căng thẳng địa chính trị, song dòng vốn ngoại vào Việt Nam sẽ sớm trở lại Cảnh báo của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu HSBC hiện thực hóa cam kết 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững tại Việt Nam đến năm 2030 Việt Nam tăng trưởng ổn định nhưng đối mặt lạm phát cao

Ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, vừa có bài viết với chủ đề “Sáu xu hướng toàn cầu sẽ định hình tương lai Việt Nam”, trong đó ông phân tích về sáu xu hướng lớn mà Việt Nam cần đón đầu để có thể phát huy tối đa tiềm năng trong thời gian tới.

Đầu tiên, đó là vấn đề biến đổi khí hậu, điều mà ông Tim Evans cho rằng, vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam. Là một quốc gia có đường bờ biển dài với dân số gần 100 triệu dân và một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, viễn cảnh mực nước biển tăng và mùa màng thất bát khi trái đất nóng lên là một mối đe dọa cho an sinh và phồn vinh của xã hội. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% GDP vào năm 2050.

Mặc dù ứng phó với biến đổi khí hậu là thử thách lớn với chúng ta nhưng đi kèm với đó là cả một cơ hội không nhỏ. Những ngành như công nghệ thông tin, y sinh học, nguyên liệu mới và năng lượng mới đang trở thành những động lực mới, bền vững hơn đối với tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng giám đốc HSBC, Việt Nam sẽ cần nỗ lực hơn nữa để tiến tới giảm phụ thuộc vào than như nguồn phát điện và nguồn hàng xuất khẩu.

Xu hướng quan trọng thứ hai là số hóa. Đại dịch đã đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch sang một xã hội số hóa không gián đoạn và kích thích tạo ra những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, những thay đổi này không chỉ xảy ra trong thoáng chốc mà nhiều khả năng mang đến tác động lâu dài.

Một trong những tác động lớn của cách mạng số hóa là bình đẳng hóa sân chơi trên toàn cầu, cho phép những quốc gia như Việt Nam cạnh tranh với nhiều nền kinh tế tiên tiến hơn. Các doanh nghiệp như VNG, MoMo và VNPay, những kỳ lân của Việt Nam, đều có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Nếu chúng ta muốn nối dài chuỗi thành công đó, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và khả năng tiếp cận nhằm xây dựng một hệ sinh thái số phát triển để thúc đẩy sáng tạo.

Thứ ba là bình đẳng về tiêm phòng. Dịch Covid-19 là một lời nhắc nhở rằng đại dịch không chừa một ai. Chỉ khi mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng đều có được vắc-xin nhanh chóng và đầy đủ như nhau, chúng ta mới có thể trở lại cuộc sống bình thường và đạt được phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam là một tấm gương sáng trong vấn đề này và là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Chúng ta phải tăng cường hợp tác toàn cầu trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng nguyên liệu thô, phân phối, vận chuyển, lưu trữ, miễn trừ sở hữu trí tuệ trong vấn đề vắc-xin để giúp các quốc gia đang phải vất vả cạnh tranh với những nước giàu để giành được những suất vắc-xin và nguồn cung vật tư y tế với chi phí phù hợp.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam
Ông Tim Evans- Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Thứ tư là thương mại, hoạt động thương mại vẫn là con đường ngắn và trực tiếp nhất để đạt được tăng trưởng kinh tế. Thương mại toàn cầu đã phục hồi như mức trước đại dịch và chúng tôi kỳ vọng các hoạt động thương mại sẽ tiếp tục bình thường hóa khi đại dịch Covid-19 suy yếu dần ngay cả trong bối cảnh lãi suất tăng gây tác động tiêu cực lên tiêu dùng.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định tự do thương mại (FTA) trong đó gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay, giúp Việt Nam này trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới.

Các hiệp định này rõ ràng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và đi kèm với đó là những thách thức bởi quốc gia này sẽ cần tiến hành thêm nhiều cải cách trong nước để giữ được vị thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia châu Á khác để tạo điều kiện cho các dòng chảy đầu tư trong khu vực cũng như tháo gỡ những rào cản không liên quan đến thuế để cả khu vực có thể phát huy tối đa tiềm năng thương mại.

Vấn đề thứ năm được ông Tim Evans lưu ý là xung đột ở Ukraine và những căng thẳng địa chính trị ở những nơi khác trên thế giới sẽ còn tiếp tục tạo ra những bất ổn không mong muốn lên nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh quốc tế còn nhiều rối ren, thái độ cởi mở và lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế là một ý kiến đáng trân trọng.

Câu chuyện thành công của mỗi nền kinh tế, đặc biệt ở châu Á, được viết dựa trên chất liệu của những mối quan hệ kết nối. Nền tảng cho sự thịnh vượng chung của khu vực là tinh thần hợp tác để cùng thành công. Bất kỳ nỗi lực hay hành động nào xa rời tinh thần này chắc chắn sẽ khiến kinh tế và an sinh xã hội của toàn khu vực bị giảm sút.

Cuối cùng là vấn đề bất bình đẳng và phục hồi toàn diện. Ngay cả khi Covid-19 đã đi qua, nó vẫn để lại “di chứng” nặng nề là bất bình đẳng và nợ nần cùng gia tăng. Chính cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương nhất lại là nhóm chịu tác động nặng nề nhất từ Covid-19, hàng triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo khó và khắc sâu thêm vấn đề bất bình đẳng.

Theo ông Tim Evans, chúng ta cần nhanh chóng nhìn nhận và giải quyết những tác động không nhỏ của Covid-19 đối với vấn đề nghèo khó và bất bình đẳng.. Đó có thể là tăng cường đầu tư vào y tế và giáo dục, tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh và công bằng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và công nghệ cho người dân.