PhoTTNguyenThienNhan

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với các cơ quan về nâng cao năng lực giám sát thực hiện đóng BHXH. Ảnh VGP/Từ Lương

Chiều 6/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài chính để đánh giá và nâng cao năng lực giám sát thực hiện đóng BHXH cho NLĐ ở các doanh nghiệp tư nhân. Trốn đóng BHXH hàng nghìn tỷ đồng Tình trạng các DN trốn đóng BHXH kéo dài ở các địa phương trên toàn quốc đang diễn ra vô cùng phức tạp. Nhiều DN nợ trong thời gian dài, khi thanh tra Bộ LĐTBXH ra quyết định xử phạt vẫn không nộp phạt. Thậm chí có DN bị kiện ra tòa án về việc chậm đóng BHXH, BHYT nhưng vẫn không chấp hành phán quyết của tòa án. Tính đến hết tháng 9/2013, số người tham gia BHXH, BHYT đạt trên 61.812.339 người, tăng 2.582.297 người (4%) so với cùng kỳ 2012. Số thu cả 2 loại hình bảo hiểm đạt trên 114.650 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết 9/2013 số tiền DN nợ BHXH, BHYT là 9.915 tỷ đồng (chiếm 7,3% tổng số thu). Trong đó, nợ BHXH là 6757 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 589 tỷ; nợ BHYT là 2569 tỷ đồng. Tình trạng này diễn ra ở tất cả các địa phương. Riêng Hà Nội, tính đến hết quý I/2013, thành phố có trên 16.000 DN trốn BHXH với số tiền trên 1.144 tỷ đồng; đến hết tháng 7/2013, con số này tăng lên tới 1.296,6 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2013 con số này sẽ là 1.500 tỷ đồng. Trong đó, số DN trốn BHXH hàng chục tỷ đồng, kéo dài nhiều năm ngày càng nhiều và chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Một tỉnh miền núi như Lai Châu, số lượng DN và NLĐ không lớn, nhưng tình trạng trốn đóng BHXH cũng gây nhiều bức xúc kéo dài. Liên đoàn Lao động tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến thời điểm 30/6/2013, các DN và hộ kinh doanh cá thể trong tỉnh trốn đóng gần 6,4 tỷ đồng BHXH. Đáng chú ý, một số DN vẫn trừ tiền lương của NLĐ để tham gia BHXH nhưng lại “bỏ túi” chứ không nộp về cơ quan BHXH. Việc nợ BHXH đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ. Nhất là khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số NLĐ đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí, khiến cuộc sống của họ luôn bấp bênh trước những áp lực của cuộc sống. Lách luật để giảm mức đóng BHXH Cùng với tình trạng trốn đóng BHXH thì một vấn đề nan giải khác là tình trạng DN lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH. Theo đó, DN tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp khác nhằm giảm mức lương trên hợp đồng với NLĐ để giảm chi phí đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Mức đóng BHXH thấp dẫn tới các chế độ bảo hiểm như ốm đau, thai sản cũng như mức lương hưu trong tương lai sẽ thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng trên là do chế tài đối với những DN chây ì không đóng BHXH hiện không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó Luật BHXH không quy định xử lý hình sự với hành vi này, thủ tục xử phạt phức tạp, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Ngoài ra mức lãi suất chậm đóng BHXH, BHYT thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận DN cố tình nợ BHXH chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT. Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm, do đó hiệu quả, hiệu lực thu BHXH bị hạn chế rất nhiều. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khảo sát điều kiện lao động và bảo hiểm cho công nhân ở một DN tư nhân tại Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh tháng 7/2011. Ảnh VGP/Từ Lương Mạnh tay xử lý DN vi phạm Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân, hiện số tiền BHXH mà doanh nghiệp phải đóng được tính trên mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động ký giữa doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng, doanh nghiệp đều thỏa thuận với người lao động sẽ hạ mức tiền lương trong hợp đồng xuống mức tối thiểu (chỉ cao hơn khoảng 10% so với lương tối thiểu để tránh vi phạm Bộ luật Lao động) và bù thu nhập cho nhân công bằng các loại phụ cấp khác như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe... Một trong những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn việc trốn đóng BHXH, BHYT là phải sớm sửa đổi luật BHXH, làm sao để tính mức đóng BHXH bắt buộc của doanh nghiệp dựa trên tổng mức chi trả của doanh nghiệp cho mỗi lao động, thay vì chỉ dựa vào mức lương trên hợp đồng. Theo đó, chi phí BHXH bắt buộc phải được tính trên tổng mức thu nhập thay vì trên mức tiền lương của hợp đồng, doanh nghiệp sẽ “hết cửa” để lách luật. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, quan điểm Đảng và Nhà nước không chấp nhận tình trạng trốn đóng BHXH đối với người lao động trên toàn quốc như thời gian qua. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện Luật BHXH sửa đổi trình Chính phủ để Quốc hội xem xét thông qua theo hướng bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT theo hướng tăng nặng mức xử phạt, đưa quy định xử lý hình sự với mức độ phù hợp đối với hành vi trốn đóng BHXH vào Luật BHXH sửa đổi. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao Thanh tra Chính phủ năm 2014 chủ trì tổ chức nhiều đợt thanh tra chuyên ngành về thực hiện BHXH, BHYT trên toàn quốc. Theo đó, một số cuộc thanh tra sẽ do các cơ quan TW thực hiện và một số do các địa phương triển khai. Từ kết quả đó, góp phần rút kinh nghiệm cho công tác thanh tra, giám sát BHXH, BHYT trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao BHXH Việt Nam trong quý I/2014 tổ chức hội thảo toàn quốc với chủ đề: "Thực trạng thu BHYT ở Việt Nam - kinh nghiệm của quốc tế và những định hướng trong tương lai". Số tiền nợ BHXH bắt buộc trên cả nước tính đến hết quý III/2013 - DN Nhà nước: 1.230 tỷ đồng - DN có vốn đầu tư nước ngoài: 1.315 tỷ đồng. - DN ngoài quốc doanh: 4.468 tỷ đồng. Số tiền nợ BHYT bắt buộc trên cả nước tính đến hết quý III/2013 - DN Nhà nước: 124 tỷ đồng - DN có vốn đầu tư nước ngoài 162 tỷ đồng - DN ngoài quốc doanh: 532 tỷ đồng.

Theo VGP