Ưu tiên hợp tác, hữu nghị giữa các thành viên SGATAR

Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR lần thứ 53 do Hàn Quốc chủ trì tổ chức diễn ra từ ngày từ 29-31/10/2024. Đoàn công tác Tổng cục Thuế Việt Nam do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành dẫn đoàn tham dự cùng 18 đoàn cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ là thành viên SGATAR cùng đại diện một số tổ chức quốc tế gồm: ADB, OECD, CIAT, IMF,…

Đại diện cho các đại biểu tham dự hội nghị phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, Việt Nam luôn đánh giá cao và ưu tiên mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, hiệu quả của việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý thuế giữa các nước thành viên SGATAR.

SGATAR - cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những thách thức về thuế
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR lần thứ 53.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho rằng, Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR là hội nghị dành cho cấp lãnh đạo cao nhất của các cơ quan quản lý thuế thuộc thành viên khối SGATAR. Hội nghị cũng là dịp để các thành viên SGATAR thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý thuế, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác quản lý thuế tầm khu vực.

Hội nghị năm nay các nước thành viên tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong quản lý thuế của SGATAR. Hội nghị có các cuộc họp của trưởng đoàn (cấp Tổng cục trưởng) và 3 cuộc họp cấp chuyên viên diễn ra song song.

18 nước, vùng lãnh thổ thành viên SGATAR bao gồm: Australia, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Macao, Mông Cổ, Papua New Guinea, Campuchia và Lào.

Nội dung thảo luận của cuộc họp Trưởng đoàn năm nay tập trung vào 3 chủ đề chính là: Cơ chế ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp hiệu quả; Chuyển đổi số trong quản lý thuế và cập nhật cải cách thuế tại các nước. Việc ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp về thuế là một chủ đề được ưu tiên khi nguy cơ xảy ra xung đột giữa cơ quan thuế và người nộp thuế ngày càng gia tăng.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về chiến lược ngăn ngừa tranh chấp thuế và những thách thức đối mặt khi giải quyết tranh chấp thuế. Ngoài ra, xu hướng chính sách và quản lý thuế đang phát triển nhanh chóng theo xu hướng toàn cầu hóa và số hóa kinh tế, các nước thành viên nhấn mạnh việc chia sẻ trao đổi kinh nghiệm các xu hướng này, giúp các thành viên dễ dàng thích ứng hơn với những thay đổi và chuyển đổi có nhịp độ nhanh, đặc biệt khi mục tiêu của cải cách mở rộng cơ sở thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, công tác quản lý thuế tại các quốc gia đang tiếp tục có những bước phát triển nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đồng thời hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội. Như vậy, ngày càng có nhiều mối quan tâm trên toàn cầu trong việc xác định các tiếp cận tốt nhất để đảm bảo huy động nguồn thu hiệu quả và vai trò của thuế trong việc xây dựng một quốc gia, nâng cao năng lực của quốc gia và các mối quan hệ xã hội đã luôn nhận được mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn thế giới.

Cải cách và số hóa tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng

Phát biểu tham luận tại Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đã chia sẻ những thông tin cập nhật về những điều chỉnh gần đây trong chính sách thuế và quản lý thuế tại Việt Nam.

Nổi bật trong cập nhật chính sách thuế của Việt Nam là Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Thực hiện Nghị quyết số 107/2023/QH15, Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, thuế suất áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu Euro trở lên (khoảng 800 triệu USD) trong ít nhất 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

SGATAR - cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những thách thức về thuế

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành trao đổi bên lề hội nghị với lãnh đạo Đoàn đại biểu cơ quan thuế các nước.

Để triển khai những chính sách phù hợp, thích ứng linh hoạt với tình hình mới, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, vừa song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam nói chung và cơ quan Thuế Việt Nam nói riêng đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển; đặc biệt là tập trung thực hiện cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, Việt Nam đã sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, tạo hành lang pháp lý nhằm cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế và áp dụng thuế điện tử.

Hiện nay, cơ quan thuế các cấp của Việt Nam đã và đang hỗ trợ kịp thời 24/7 cho người nộp thuế sử dụng các dịch vụ thuế điện tử với tỷ lệ hỗ trợ trên 95%. Xây dựng cơ sở dữ liệu tri thức thuế và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển và ứng dụng Chatbot để hỗ trợ người nộp thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng đạt 99,95%.

Việc triển khai thành công hóa đơn điện tử góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế, rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế từ trung ương đến địa phương. Số thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý năm 2023 đạt khoảng 60 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 86,8% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế Việt Nam đã tập trung triển khai 5 nhóm giải pháp quan trọng trong cải cách toàn diện hệ thống thuế, đó là: Thứ nhất, lấy mã định danh cá nhân (căn cước công dân) làm mã số thuế.

Thứ hai, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử để tìm ra chuỗi sinh thái người gian lận thuế hay đường đi của hóa đơn ảo.

Thứ ba, xây dựng hế thống thống kê thuế để phân tích xu hướng, dự báo tăng trưởng thuế ở các ngành nghề, khu vực địa lý, nhóm NNT, qua đó tìm ra những bất thường, xác định rủi ro lớn.

Thứ tư, nâng cấp ứng dụng eTax Mobile để người dùng có thể trải nghiệm tốt nhất và có thể thực hiện nhiều nhất nghĩa vụ thuế cũng như thông tin về thuế.

Thứ năm, khuyến khích các đơn vị quản lý công nghệ thông tin ngành và cán bộ, công chức ngành Thuế chủ động nghiên cứu, sáng tạo, phát triển các ứng dụng về công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý của đơn vị. Đối với những ứng dụng có tính nghiệp vụ cao, sau khi được ứng dụng trong thực tiễn đơn vị đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế sẽ được Tổng cục Thuế thẩm định tính khả thi để áp dụng ứng dụng trên phạm vi hệ thống thuế toàn quốc.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho rằng, Hội nghị SGATAR lần thứ 53 tiếp tục là cơ hội tốt để thành viên SGATAR chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm giữa các quốc gia và cùng giải quyết những thách thức về thuế trong thời gian tới./.

Tổng cục Thuế Việt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thuế SGATAR 52 - Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý thuế trong nền kinh tế số