thu

Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tại hội nghị

Dịnh vụ tài chính hướng đến mọi người dân

Sáng kiến về tiếp cận tài chính toàn diện nhằm mở rộng diện tiếp cận các dịch vụ tài chính đến mọi người dân, mọi doanh nghiệp do nước chủ nhà Peru đề xuất đã nhận được sự quan tâm của nhiều nước trong khu vực. Trong số các mục tiêu của sáng kiến, việc xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính bao trùm là một trong những mục tiêu ưu tiên. Tại hội nghị lần này, đại diện của Peru, Philippines và Mexico đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính bao trùm.

Theo đó, công tác xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính bao trùm sẽ bao gồm 3 giai đoạn: Khảo sát điều tra, xây dựng chính sách và triển khai thực hiện. Với giai đoạn khảo sát điều tra, cơ quan xây dựng chính sách sẽ tiến hành khảo sát để xác định mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính của các nhóm đối tượng khác nhau, cũng như năng lực cung cấp dịch vụ của các tổ chức tài chính, từ đó có các định hướng cụ thể cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực địa lý.

Trong giai đoạn xây dựng chính sách, xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có các chính sách về giáo dục và nâng cao kiến thức tài chính cho cộng đồng, các chính sách về cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ tài chính của các tổ chức tài chính, các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng tiếp cận dịch vụ tài chính, các chính sách bảo vệ khách hàng.

Với giai đoạn triển khai thực hiện, cơ quan chính sách phối hợp với các cơ quan chính phủ, các tổ chức tài chính triển khai thực hiện theo từng nhóm chính sách.

Cùng nhau ngăn chặn tình trạng chuyển giá

Cũng tại hội nghị các Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC, Peru đã đưa ra sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Theo sáng kiến BEPS, trong hợp tác APEC, các nước cần phải nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của các nước nằm trong APEC vào dự án BEPS, đặc biệt là các nước không phải là thành viên của G20 hoặc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Dự án BEPS là hoạt động quan trọng của OECD/G20 nhằm mục tiêu ngăn chặn tình trạng chuyển giá và trốn thuế thông qua lợi dụng các kẽ hở chính sách về thuế giữa các quốc gia, đồng thời giúp các hệ thống thuế thích ứng với các hoạt động kinh tế số (thương mại điện tử và dịch vụ thương mại qua biên giới). Các hoạt động chính của dự án BEPS bao gồm: Thông qua gói hành động BEPS, xây dựng công ước hỗ trợ tương hỗ về hành chính thuế và xây dựng một thoả thuận đa phương về sửa đổi hiệp định thuế.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 11/2015 các nguyên thủ G20 đã thông qua “Gói hành động BEPS” với 15 hành động cụ thể nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế qua BEPS. Việc cam kết triển khai “Gói hành động BEPS” là điều kiện tiên quyết để một quốc gia tham gia vào khung hợp tác toàn cầu về BEPS. Các nước quan tâm tham gia vào khung hợp tác BEPS sẽ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn tối thiểu của dự án BEPS, tham gia cơ chế giám sát tuân thủ. Tuy nhiên sẽ được hưởng các quyền lợi về tiếp cận thông tin liên quan đến các quy định về thuế quốc tế, được tham gia vào việc xây dựng cơ cấu và các quy định quản trị, được tiếp cận các chương trình hỗ trợ tăng cường năng lực giúp triển khai các hành động BEPS.

Theo ban tổ chức, phiên họp đầu tiên của các nước tham gia khung hợp tác BEPS sẽ được tổ chức tại Kyoto, Nhật Bản vào 29 - 30/6/2016. Để tăng cường minh bạch và trao đổi thông tin thuế, OECD đã xây dựng Công ước về Hỗ trợ tương hỗ hành chính thuế (MAAC) có hiệu lực từ 1/7/2011, theo đó các nước thành viên Hiệp định sẽ chia sẻ các thông tin về thuế và hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hành chính thuế.

Kết luận tại phiên thảo luận về BEPS tại Hội nghị Thứ trưởng tài chính APEC lần này, Thứ trưởng Peru chủ trì hội nghị đã đề nghị các nước thành viên APEC đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia vào Gói hành động BEPS và có báo cáo tại Hội nghị Quan chức Tài chính APEC tháng 5/2016 để tổng hợp trình lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính thông qua vào tháng 10/2016. APEC sẽ xem xét và hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng lực nhằm thúc đẩy sự tham gia của các thành viên APEC triển khai Gói hành động BEPS./.

94 nước tham gia công ước hỗ trợ hành chính thuế

Theo báo cáo của APEC, hiện đã có 94 quốc gia tham gia vào MAAC, trong đó có 3 thành viên ASEAN là: Indonesia, Philippines và Singapore. Theo ước tính của OECD, hiện có khoảng 3.600 hiệp định thuế song phương cần sửa đổi phù hợp với Gói hành động BEPS. Giải pháp của OECD là thay vì tiến hành sửa đổi từng hiệp định thuế, các nước sẽ tiến hành đàm phán và ký kết một thoả thuận đa phương về sửa đổi hiệp định thuế có hiệu lực đối với tất cả các hiệp định thuế song phương mà các nước tham gia.

Nhật Minh