BPEC

BEPS là một trong 4 chủ đề quan trọng được các đại biểu thảo luận tại FMM - APEC 2017. Ảnh: Hải Anh

>> APEC 2017: Khai mạc Hội nghị Thứ trưởng Tài chính, Phó Thống đốc NHTW

>> Khai mạc Hội nghị Quan chức Tài chính cao cấp APEC 2017

BEPS - vấn đề “nóng” toàn cầu

BEPS là hành vi trốn thuế của người nộp thuế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước/vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không. Các kế hoạch này đang ngày càng trở nên phổ biến và được thiết lập thông qua hành vi chuyển giá, thương mại điện tử, vốn mỏng, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, cơ sở thường trú hay thiên đường thuế.

Tại FMM, ông Sebastian Eckardt - quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu, 4 sáng kiến của Việt Nam đưa ra thảo luận rõ ràng đều rất quan trọng đối với APEC. Đặc biệt, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận là một chủ đề quan trọng đối với một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ, với nhiều công ty đang hoạt động xuyên biên giới.

Theo Bộ Tài chính Việt Nam, đến nay, BEPS là một vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có một giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương, trong khi khả năng ngăn chặn BEPS bằng các biện pháp đơn phương và song phương như hiện nay không khả thi, do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 11/2015, các nguyên thủ G20 đã thông qua Gói hành động BEPS với 15 hành động cụ thể nhằm hạn chế tình trạng lách thuế/trốn thuế BEPS. Theo đó, OECD đã thiết lập một Diễn đàn hợp tác chung do các nước thành viên và không phải là thành viên của OECD/G 20 cùng thực hiện triển khai Đề án BEPS. BEPS đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương.

“BEPS đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển giúp bảo vệ nguồn thu và duy trì, mở rộng cơ sở tính thuế. Việt Nam bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế được thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử...” - Bộ Tài chính đánh giá.

Nỗ lực ngăn chặn BEPS của Việt Nam

Cũng theo Bộ Tài chính, để đảm bảo các giải pháp về BEPS được triển khai hiệu lực, hiệu quả, đồng thời để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp này trong quá trình triển khai, OECD đã thiết lập Diễn đàn hợp tác chung bao gồm các nước thành viên và không phải là thành viên của OECD và G20 cùng thực hiện triển khai Diễn đàn hợp tác chung BEPS trên phạm vi toàn cầu, trong đó có các nước đang phát triển.

Trong nỗ lực chung này, Việt Nam cũng là một thành viên tích cực. Ngày 21 - 22/6/2017, tại Phiên họp lần 3 của Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS diễn ra tại Noordwijk, Hà Lan, Việt Nam đã chính thức công bố tham gia vào Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn.

Để tiếp cận, đánh giá và triển khai các chương trình hành động BEPS, Bộ Tài chính Việt Nam (Tổng cục Thuế) đã thành lập Ban chỉ đạo và 3 Tổ công tác BEPS (theo Quyết định số 1286/QĐ-TCT ngày 11/7/2016).

Kết quả thực hiện của 3 tổ đến nay như sau: Tổ BEPS 1- Nghiên cứu thuế quốc tế và hiệp định thuế theo chương trình BEPS; Tổ BEPS 2- Nghiên cứu về thanh tra giá chuyển nhượng theo chương trình BEPS; Tổ BEPS 3- Nghiên cứu sửa đổi chính sách khác theo chương trình BEPS.

Tại Hội nghị Thứ trưởng và Phó Thống đốc NHTW APEC tháng 2/2017, các đại biểu đã nghe phần trình bày tổng quan về dự án BEPS của đại diện OECD và những đánh giá triển khai từ đại diện WB.

Hội nghị cũng nghe các bài chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hành động BEPS, đặc biệt là các hành động trong gói Tiêu chuẩn tối thiểu, của các nền kinh tế thành viên Úc, Nhật Bản, Indonesia, Mexico.

Kết luận tại hội nghị, Bộ Tài chính Việt Nam đã đề xuất kế hoạch hoạt động của APEC cho năm 2017 với các mục tiêu chính bao gồm: (i) Tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong việc triển khai các hành động BEPS; (ii) Tổ chức các khoá đào tạo và hội thảo, chia sẻ kiến thức, tăng cường năng lực cho các nền kinh tế thành viên; (iii) Báo cáo tổng kết tình hình triển khai sửa đổi pháp luật và áp dụng các biện pháp BEPS của các thành viên APEC trong năm 2017.

Các thứ trưởng và phó thống đốc đã thông qua kế hoạch hoạt động do Việt Nam đề xuất. Các quan chức tài chính đã đánh giá tiến độ triển khai thực hiện, báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10/2017./.

Ngọc Linh