Còn nhiều bất cập

Thực trạng công tác giám sát hải quan với các hệ thống công nghệ thông tin hiện nay phát sinh những bất cập trên tất cả các tuyến cửa khẩu.

Việt Nam có biên giới đường bộ dài trên 4.600 km, với 24 cửa khẩu quốc tế, 26 cửa khẩu chính, 63 cửa khẩu phụ có cơ quan hải quan làm việc và 65 cửa khẩu phụ, lối mở do lực lượng biên phòng quản lý. Tuyến biên giới địa hình phức tạp, điều kiện cơ sở hạ tầng giữa các cửa khẩu không đồng đều, lượng cư dân qua lại biên giới ngày càng tăng. Trong khi đó, trang thiết bị kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng, công chức hải quan phải thực hiện giám sát, kiểm soát trực tiếp, không thể kiểm soát được 24/7 và toàn bộ cư dân qua lại biên giới.

Công chức Hải quan Long An thực hiện kiểm tra thực tế hàng gia công. Ảnh: Lê Hòa
Công chức Hải quan Long An thực hiện kiểm tra thực tế hàng gia công. Ảnh: Lê Hòa

Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác giám sát, kiểm soát phương tiện, hành lý, hàng hóa chưa theo kịp thực tế, chưa hỗ trợ cơ quan hải quan trong công tác phân tích, đánh giá rủi ro, xác định đối tượng trọng điểm. Điều này dẫn đến, có hàng nghìn phương tiện đã quá hạn tạm nhập nhưng chưa tái xuất hoặc tạm xuất nhưng chưa tái nhập.

Tại các cảng biển, công tác giám sát hàng hóa có sử dụng Hệ thống giám sát hải quan tự động (VASSCM) khá tiên tiến. Song, vấn đề lại nằm ở điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan chưa đảm bảo. Đơn cử như: chưa có khu vực lưu giữ hàng xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) riêng biệt, chưa tách biệt hàng nội địa với hàng xuất nhập khẩu (XNK); hàng hóa XK không được tập kết đủ trước khi tàu xuất cảnh; tình trạng hàng hóa XK đã hoàn thành thủ tục hải quan tập kết tại các khu vực kho, bãi ngoài cảng và vận chuyển thẳng để xếp lên tàu còn phổ biến,…

Các cảng hàng không quốc tế về cơ bản được trang bị khá hiện đại, trong đó Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng đã có Hệ thống VASSCM nhưng cũng còn khá nhiều bất cập, đặc biệt trong việc phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật. Ví dụ, hệ thống không đồng bộ đối với các lô hàng về từng phần hoặc nhiều tờ khai khai báo chung/tách vận đơn; không kết xuất đầy đủ danh sách hàng hóa dự kiến xếp dỡ từ Hệ thống một cửa quốc gia (NSW) để gửi thông tin cho doanh nghiệp kinh doanh kho. Một số kho hàng hóa chưa đảm bảo các điều kiện giám sát hải quan như: chưa tách riêng khu hàng nội địa và hàng XNK; chưa phân định lối đi, cổng ra, vào riêng biệt giữa các kho hoặc các cơ quan chức năng tại cảng.

Hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ

Theo ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), để khắc phục thực trạng nêu trên, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vẫn là giải pháp cần quan tâm.

Theo đó, việc hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối dữ liệu từ các trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát hải quan với hệ thống nghiệp vụ hải quan nhằm nâng cao hiệu quả, tần suất sử dụng và yêu cầu quản lý về hải quan là vấn đề cấp bách. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng các trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan hoạt động độc lập với hệ thống nghiệp vụ, tập trung hóa tối đa xử lý việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa XK, NK, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Trang bị kỹ thuật để phát hiện sớm các thủ đoạn gian lận mới, tinh vi

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa xuất nhập khẩu diễn biến rất phức tạp, các đối tượng thường lợi dụng các địa bàn cơ quan hải quan chưa bố trí đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật hoặc không đủ lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ. Qua công tác theo dõi, tổng hợp tình hình và kết quả bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của ngành Hải quan cho thấy, bên cạnh phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa... đã xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm qua mắt, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước

Cơ quan hải quan cũng tiến tới tích hợp thông tin đánh giá quản lý rủi ro đối với loại hình quá cảnh để hệ thống tự động thiết lập phân luồng đỏ đối với các lô hàng có mức độ rủi ro cao, rất cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận thương mại hoặc đưa ra các chỉ dẫn, cảnh báo đối với một số mặt hàng, nhóm hàng có rủi ro cao trong khai báo.

Cùng với đó là yêu cầu nâng cấp hệ thống quản lý phương tiện vận tải đường bộ xuất nhập cảnh gắn với mô hình cửa khẩu số, trong đó tích hợp các chức năng khai báo thông tin lược khai hàng hóa, giám sát tự động hàng hóa đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan, quản lý hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa của cư dân biên giới kết nối với máy móc, trang thiết bị tại cửa khẩu như: thiết bị nhận diện biển số xe, barie điện tử, cân điện tử, máy soi container, seal định vị điện tử,…

Ngoài ra, cũng theo ông Tám, hệ thống trang thiết bị cần tiếp tục được đầu tư, đảm bảo phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, đầu tư trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại các cửa khẩu đường bộ hướng tới cửa khẩu số, như: máy soi container, máy soi hành lý, cân điện tử, camera giám sát, hệ thống barie điện tử, hệ thống thiết bị giám sát hành trình của phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, phương tiện tạm nhập tái xuất hoặc phương tiện thường xuyên qua lại biên giới để giao nhận hàng hóa, seal định vị điện tử. Các hệ thống này sẽ kết xuất, tích hợp với hệ thống thông quan hàng hóa, hệ thống quản lý phương tiện vận tải và thống nhất thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.../.