Các địa phương phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn được giao và quyết liệt thực hiện từ nay đến cuối năm. Ảnh tư liệu |
Mỗi địa phương đều có khó khăn riêng
Là 1 trong 7 địa phương đang có tỷ lệ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) dưới 20% kế hoạch vốn giao (theo báo cáo của Bộ Tài chính), tỉnh Cà Mau đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Cà Mau, trong quá trình thực hiện việc giải ngân nguồn vốn này, tỉnh đã gặp một số khó khăn nhất định. Đơn cử như có quá nhiều văn bản phải áp dụng cho việc giải ngân nguồn vốn, nên khi đến cơ sở thì có nhiều cách hiểu, thực hiện khác nhau, do đó mất nhiều thời gian để chỉnh sửa. Một số cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo mới nắm bắt được công việc thì được điều sang vị trí công tác khác, người mới phải cần thêm thời gian để nắm bắt công việc, từ đó gây khó khăn trong công tác quản lý, cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Giá vật tư, con giống biến động liên tục, theo đó, khi dự án đã được phê duyệt thì giá vật tư, con giống đã thay đổi so với khi xây dựng dự án, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình giải ngân và thực hiện…
Theo UBND tỉnh Cà Mau, những khó khăn này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải ngân nguồn vốn các CTMTQG của tỉnh. Theo đó, dự kiến đến hết tháng 8, tỉnh mới giải ngân được gần 12% vốn.
Tương tự như Cà Mau, tỉnh Phú Yên cũng nằm trong 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn các CTMTQG dưới 20%. Cụ thể, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 8/2024, tỉnh Phú Yên mới giải ngân đạt 15% kế hoạch vốn được giao.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, việc Ủy ban Dân tộc chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức cho vay, định mức vốn cho vay, thời gian cho vay và lãi suất vay hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số đã gây khó khăn cho địa phương. Do đó, hiện nay, tỉnh chưa triển khai chính sách đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.
Đồng thời, các khó khăn trong giải ngân vốn CTMTQG của tỉnh Phú Yên còn nằm ở các huyện. Cụ thể như huyện Đồng Xuân, năm 2024, huyện được phân bổ trên 87 tỷ đồng để thực hiện 3 CTMTQG. Mặc dù đã nỗ lực nhưng tiến độ giải ngân các nguồn vốn này trên địa bàn chưa cao. Đến nay, huyện mới giải ngân được khoảng 8 tỷ đồng.
Vướng mắc làm cho tiến độ giải ngân chậm được huyện chỉ ra là do công tác triển khai các dự án, công trình thuộc các CTMTQG tuy đã thực hiện nhưng vẫn còn chậm về mặt thủ tục hồ sơ… Đặc biệt, các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã được triển khai nhưng do việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện còn khó khăn, do đó, UBND huyện chưa thể ban hành các quyết định phê duyệt dự án. Bên cạnh đó là năng lực đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện các chương trình ở một số xã chưa đáp ứng với nhu cầu trong tình hình mới. Ý thức trách nhiệm và sự tham gia của một bộ phận người dân trong việc triển khai thực hiện chương trình còn thiếu tính tự giác và chưa được thường xuyên…
Tìm cách tăng tốc giải ngân
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các CTMTQG góp phần tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước, trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các CTMTQG và có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Về phía các địa phương, phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn được giao cũng đã đưa ra các giải pháp và quyết liệt thực hiện từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, với Cà Mau, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi sát, tập trung tháo gỡ khó khăn, khẩn trương thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân 3 CTMTQG theo kế hoạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, báo cáo kết quả thực hiện.
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh và các chủ đầu tư rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã được giao của từng dự án; kịp thời đề xuất việc điều chỉnh dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện 3 CTMTQG để trình HÐND tỉnh tại kỳ họp tới đây của tỉnh.
Tại tỉnh Phú Yên, để các CTMTQG được triển khai thuận lợi, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi thực tế và làm việc với các địa phương, sở ngành liên quan để kiểm tra, đồng thời nắm bắt khó khăn của từng chương trình.
Đồng thời, tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các sở, ngành bố trí thời gian và nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai và phản ánh khó khăn, vướng mắc phát sinh của cơ sở để tháo gỡ kịp thời.
Ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách để thực hiện dự án thuận lợi Để giải ngân hết nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính yêu cầu các chủ chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần, cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công, UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế, chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. |