Công khai tài sản, thu nhập của gần 1,284 triệu người có chức vụ

Chiều 23/10, Quốc hội đã nghe các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được thực hiện ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả... qua đó gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã tiếp tục được triển khai tích cực trong năm qua. Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, năm qua đã có 1.284.375 người kê khai tài sản, thu nhập (chưa bao gồm số liệu của các tỉnh ủy, một số Ban Đảng Trung ương; Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao). Số bản kê khai đã hoàn thành công khai là 1.283.635 bản; đạt tỷ lệ 99% số bản đã kê khai.

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng. Năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng; có 2 người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2021 có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người). Trong kỳ, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 27.316 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Đánh giá, dự báo về tình hình tham nhũng, Chính phủ cho rằng năm 2021, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Tham nhũng vẫn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ

Trong những năm tới, Chính phủ đánh giá đất nước ta tiếp tục đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen; cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn; đồng thời phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Sau báo cáo của Chính phủ, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra. Theo Ủy ban Tư pháp, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Năm 2021, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện như: việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương, vẫn còn có những hạn chế. Trong đó, một số vấn đề được nhấn mạnh là tình trạng công khai thông tin không đầy đủ, công khai trong phạm vi hẹp với lý do “bí mật công tác” hoặc “quy chế phát ngôn” trong cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa đạt yêu cầu… Việc phát hiện vi phạm trong công tác này còn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế (Năm 2021 đã kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng chỉ phát hiện 251 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm).

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn có trường hợp chưa bảo đảm; một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch…, dẫn đến phải thu hồi hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ… Cải cách thủ tục hành chính còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị. Tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả./.