Sáng 30/10, sau khi nghe các báo, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Tránh xâm phạm quyền tài sản của cá nhân, tổ chức
Tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, bởi qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý triệt để, trong đó nhiều vật chứng, tài sản trong các giai đoạn tố tụng khác nhau thời gian dài không xử lý được, gây thất thoát, hư hỏng, tốn kém trong bảo quản.
Bên cạnh đó, Luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định về việc xử lý vật chứng, tài sản là tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá…; chưa có quy định trực tiếp về việc áp dụng biện pháp “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” để bảo đảm áp dụng các biện pháp xử lý nên dẫn đến việc xử lý vật chứng, tài sản trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Lương Văn Hùng phát biểu tại tổ |
Góp ý về phạm vi điều chỉnh và thời điểm áp dụng, đại biểu Lương Văn Hùng, Phó Chánh Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị việc xử lý vật chứng ở giai đoạn tiền tố tụng cần phải rất thận trọng, bởi giai đoạn này chưa rõ có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không.
Việc xử lý vật chứng, tài sản của người chưa bị buộc tội có thể dẫn đến xâm phạm quyền tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Hiến pháp. Theo đó, “tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa".
Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, bởi qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý triệt để, trong đó nhiều vật chứng, tài sản trong các giai đoạn tố tụng khác nhau thời gian dài không xử lý được, gây thất thoát, hư hỏng, tốn kém trong bảo quản. |
Do vậy, đại biểu đề nghị quy định thời điểm xem xét, xử lý vật chứng, tài sản được thực hiện theo đúng Kết luận số 87-KL/TW khi đã khởi tố vụ án - khởi tố bị can; trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Dương Văn Thăng (đoàn TP.HCM), Phó Chánh án TAND Tối cao. Theo đại biểu, xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin (giai đoạn tiền tố tụng) cần thận trọng, bởi giai đoạn này chưa biết có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không.
Cho rằng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định rõ nội dung, đảm bảo thận trọng, chặt chẽ, tránh hành vi tùy tiện.
Xử lý tài sản phải phù hợp với quá trình xử lý hình sự
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) lưu ý rằng dự thảo nghị quyết có phạm vi rất rộng, liên quan đến tiền, bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các lĩnh vực liên quan ngân hàng. Nếu làm không chặt chẽ có thể xảy ra vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lợi các bên có liên quan, gồm bị hại, bị can, bị cáo và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đại biểu, liên quan đến vật chứng, Bộ Luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ ai xử lý, xử lý thế nào, vật chứng gồm những gì… Nếu dự thảo nghị quyết quy định điều nào trái với Bộ Luật Tố tụng hình sự thì phải nêu rõ để đại biểu Quốc hội quyết định.
Đối với quy định về tài sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng đây là khái niệm “rất rộng, rất mênh mông”. Tài sản không phải vật chứng, tức không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự. “Tự nhiên có một đơn đến cơ quan điều tra, theo nghị quyết này, sẽ áp dụng ngay từ lúc đó, như vậy, xử lý tài sản từ lúc người đó bắt đầu bị nghi ngờ”, đại biểu nói và nêu rõ, quá trình xem xét đơn tố giác, còn chưa biết có khởi tố vụ án hình sự hay không.
Dự thảo nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý đi kèm theo điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, 5 biện pháp xử lý này không phân biệt giai đoạn, trong khi tin tố giác tội phạm vì vô cùng. “Ghét nhau cũng tố giác, cạnh tranh nhau cũng tố giác, hiểu lầm cũng tố giác, có những vụ án oan sai do xử lý tố giác, nhiều năm sau phải xin lỗi, lúc đó tài sản đã tiêu tán hết”, đại biểu nói.
Do đó, đại biểu đề nghị Nghị quyết cần phân định rõ các biện pháp xử lý tài sản phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội và phù hợp với quyền định đoạt tài sản ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý hình sự.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung phát biểu tại tổ. |
Về phạm vi áp dụng, dự thảo quy định chỉ áp dụng với các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Theo đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội), Giám đốc Công an TP Hà Nội, phạm vi điều chỉnh như vậy là quá hẹp, cần tính toán mở rộng phạm vi, thậm chí có luật về việc này và rút ngắn thời gian thí điểm.
Song, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần áp dụng thận trọng, chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm, mà chỉ nên quy định như dự thảo.
Làm rõ căn cứ pháp lý, tránh tùy tiện, cảm tínhĐể đảm bảo biện pháp xử lý tài sản, vật chứng trong quá trình tố tụng được thực hiện minh bạch, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy trình cụ thể, có căn cứ pháp lý rõ ràng. Đồng thời đề nghị dự thảo Nghị quyết phải quy định cụ thể, xác định phương pháp xử lý vật chứng, tài sản một cách định lượng có khoa học, tránh tùy tiện, cảm tính để đảm bảo đúng mục đích của việc xử lý sớm vật chứng, tài sản theo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 87-KL/TW. |