Thành công của ngành Tài chính có sự đóng góp quan trọng của báo chí
Toàn cảnh buổi họp báo Ảnh: Đức Minh

Giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ ngành Tài chính

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân, ngành Tài chính đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Không khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công

Giải đáp băn khoăn giải ngân vốn đầu tư công thấp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay: “Vốn đã bố trí đủ, chúng ta không thiếu vốn, cũng không khó khăn trong thanh toán từ hệ thống Kho bạc Nhà nước. Nếu có khối lượng, có thực hiện, có thủ tục đầy đủ sẽ hoàn thành việc giải ngân”. Thứ trưởng cho biết, kết quả đến nay đang tiến triển tốt.

“Có được những kết quả tích cực nêu trên, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức ngành Tài chính, Bộ Tài chính luôn nhận được sự đồng hành, tuyên truyền tích cực, hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Qua đó, các cơ chế, chính sách, thông tin cập nhật, mang tính thời sự, sự kiện quan trọng của ngành Tài chính luôn được đăng tải kịp thời, đa chiều, toàn diện, góp phần tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, giúp người dân, doanh nghiệp ngày càng hiểu rõ, ủng hộ chính sách của ngành Tài chính.

Năm 2025 là năm đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trong năm 2025, Bộ Tài chính quyết tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, rất cần sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí.

Tích cực hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước

Tại cuộc họp báo, những vấn đề xung quanh việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành Tài chính được các nhà báo, phóng viên quan tâm đặt câu hỏi, được đại diện lãnh đạo các đơn vị giải đáp cụ thể.

Về công tác điều hành, quản lý giá cả thị trường năm 2025, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; chủ động kịch bản điều hành với từng nhóm mặt hàng, nhất là các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, trên cơ sở nắm bắt thông tin thị trường, cung cầu hàng hóa, để lên các kịch bản điều hành phù hợp cho cả năm. Ngoài ra, các cơ quan quản lý tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ quản lý, điều hành, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, tránh lạm phát kỳ vọng.

Nội dung về quản lý thuế cũng dành nhiều sự quan tâm. Một số báo băn khoăn về cơ sở đề xuất ngưỡng nợ thuế để hoãn xuất cảnh. Trả lời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn nêu: Việc quy định tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là giải pháp đã được quy định và thực hiện từ lâu theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Thực tiễn triển khai, quy định này đã mang lại hiệu quả tốt đối với công tác thu hồi nợ của cơ quan Thuế. Tuy nhiên, hiện nay chưa quy định cụ thể về ngưỡng số tiền.

Quá trình thực hiện chính sách, cơ quan Thuế ghi nhận một số phản hồi từ các người nộp thuế, cá nhân có số nợ nhỏ nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, tiếp thu những phản hồi này, một mặt, ngành Thuế đã đẩy mạnh hơn việc thông báo đến người nộp thuế về nghĩa vụ nợ để hoàn thành đúng hạn. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh để giải quyết thủ tục nhanh nhất khi phát hiện nợ thuế trong quá trình xuất cảnh, sau đó liên thông giải quyết nhanh nhất.

Bên cạnh đó, cơ quan Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó đề xuất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.

Về cơ sở đặt ra ngưỡng này, ông Mai Sơn chia sẻ số liệu thống kê trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế, hiện có khoảng 380 nghìn cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên. Khoảng 81 nghìn cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên…

Kết hợp với kinh nghiệm áp dụng chính sách này tại một số quốc gia, Tổng cục Thuế cho rằng ngưỡng đề xuất nói trên là hợp lý.

Liên quan tới việc đồng nhất mã số thuế với số định danh cá nhân, phóng viên lo lắng về các trường hợp 1 cá nhân có 2-3 mã số. Ông Mai Sơn cho biết: Cơ quan Thuế đã phối hợp với các cơ quan liên quan khớp đúng, chuẩn hóa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng 95% mã số. Hiện còn 5% là nhiều đối tượng khó tìm kiếm, dữ liệu chưa được đồng bộ nên còn tiếp tục rà soát. Các trường hợp có nhiều mã số thuế hầu hết do trong quá khứ phát sinh giao dịch dân sự từ các giấy tờ nhân thân khác nhau (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân)… Cơ bản đến nay các trường hợp này cũng đã được đồng bộ vào 1 mã số do người nộp thuế lựa chọn và sau này sử dụng thống nhất. “Các mã số khác sẽ chỉ “giữ làm kỷ niệm” để tra soát khi cần thiết. Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các địa phương khớp đếm dữ liệu này hàng tuần”, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết thêm./.

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong kết nối thông tin về ngành Tài chính

Phát biểu tại buổi họp báo cuối năm của Bộ Tài chính, ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối thông tin, tuyên truyền về ngành Tài chính với công chúng. Qua báo chí, công chúng hiểu rõ hơn về ngành Tài chính.

Chia sẻ về số liệu, ông Lợi cho biết, trong năm 2024, có 615.488 tin, bài tuyên truyền về lĩnh vực tài chính được các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình đăng tải. Con số này tăng hơn 10 nghìn tin, bài so với năm 2023. Tỷ lệ thông tin tích cực về ngành Tài chính tăng lên hơn 74%. Báo chí là nguồn thông tin quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các chính sách tài chính, thay đổi trong các quy định của pháp luật và các xu hướng kinh tế. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn và kịp thời.

Ở góc độ khác, ông Đặng Khắc Lợi cho biết, báo chí còn có vai trò giám sát hoạt động của các cơ quan tài chính, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các bài viết điều tra và phân tích giúp phát hiện và ngăn chặn các hành vi sai trái, tham nhũng, lãng phí. Báo chí tạo ra các diễn đàn để thảo luận và trao đổi ý kiến về các vấn đề tài chính, giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về các thách thức và cơ hội trong lĩnh vực này.

Với vai trò quan trọng đó, lãnh đạo Cục Báo chí đề nghị và mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động một cách độc lập, khách quan và chuyên nghiệp, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia để tuyên truyền chính xác, hiệu quả hơn trong lĩnh vực này.