VIC, VHM nỗ lực giữ VN-Index

Thị trường đã rất quen với các giao dịch tái cơ cấu ETF nên phiên hôm nay có thể coi là một thông điệp của thị trường. Trong nhiều lần tái cơ cấu, dòng tiền sẵn sàng đón nhận khối lượng mua bán lớn, thậm chí giá vẫn được đẩy tăng mạnh mẽ. Thị trường càng mạnh càng thể hiện sự hào hứng của nhà đầu tư, vì không mấy khi giá lại biến động mạnh dễ mua bán như vậy.

Hôm nay thị trường không thật sự mạnh, nếu nhìn từ góc độ này. VN-Index tăng khá tốt trong buổi chiều, ngay trước khi bước vào đợt đóng cửa ATC đã tăng gần 0,8% so với tham chiếu. Thế nhưng do sức ép quá mạnh ở đợt cuối, chỉ số lại tụt xuống, chỉ còn tăng 0,22%.

VIC tăng 2%, VHM tăng 2,67% là hai trụ khỏe nhất hôm nay. Cả hai mã này cũng vẫn chịu sức ép rất lớn. Trong đợt ATC VIC chịu sức ép từ gần 3,5 triệu cổ phiếu bán ra, ở VHM là 1,77 triệu cổ. Cả hai mã đều không thể giữ được đà tăng ngay trước đó, mà phải lùi giá xuống. Dù vậy hai cổ phiếu siêu lớn này vẫn giúp VN-Index có được 4,5 điểm trong khi chỉ số tăng tổng cộng 3,18 điểm.

Thanh khoản tăng mạnh nhờ giao dịch ETF, tiền đã quay lại
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Như vậy khá nhiều blue-chips khác đã sụt giảm ở đợt đóng cửa, làm giảm sức mạnh của VIC và VHM. Nhìn qua chỉ số Vn30-Index, trong đợt ATC đã để mất hơn 6 điểm, tức là đa số cổ phiếu trong rổ cũng bị ảnh hưởng tụt giá, không chỉ riêng VIC và VHM.

Bị ảnh hưởng nặng nhất là VCB. Cho đến trước khi bước vào đợt ATC, VCB giao dịch không kém, giá phần lớn thời gian là tăng trên tham chiếu với mức cao nhất là 0,91%. Đến cuối đợt giao dịch liên tục, VCB vẫn đang tăng 0,81%. Thế nhưng đóng cửa cổ phiếu này lại giảm tới 2,62% so với tham chiếu. Như vậy mức độ thiệt hại riêng đợt ATC của cổ phiếu này lên tới 3,4% giá trị.

VCB là mã rất lớn đối với VN-Index nên khi giá bốc hơi mạnh, điểm số cũng mất đi nhiều. Khoảng 2,4 điểm bị trừ đi do giao dịch của VCB, gần bằng mức kéo tăng của VIC. Có thể thấy nếu không có VIC và VHM trụ lại, rất có thể VN-Index kết phiên hôm nay đã đỏ.

Nhiều cổ phiếu blue-chips trong nhóm Vn30 hôm nay đóng cửa đã giảm sâu so với tham chiếu như VNM, PLX, MSN, HPG, STB. Đó là những trụ giảm trên 1%.

Cơ hội cho dòng tiền?

Các phiên cơ cấu ETF thường có thanh khoản cực cao. Lần này trừ vài mã được thêm mới và các quỹ mua mạnh, phần lớn các cổ phiếu khác bị bán ra. Do đó đây là cơ hội nếu nhà đầu tư muốn mua rẻ.

Thanh khoản đã có mức tăng khá tốt phiên này: Giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt gần 31.988 tỷ đồng, cao nhất 13 phiên. Sàn HNX tuy không có giao dịch ETF nhưng thanh khoản cũng tăng 20% so với hôm qua, đạt 3.833 tỷ đồng, cao nhất 10 phiên. Thậm chí UpCOM cũng tăng 55% thanh khoản, đạt 2.843 tỷ đồng, cao nhất 4 tuần.

Như vậy hôm nay đã có thêm một lượng tiền khá lớn gia nhập thị trường. Đây là tín hiệu tốt vì liên tiếp các phiên giao dịch chỉ ở mức trung bình, khi không tới nổi 30 ngàn tỷ mỗi ngày trên hai sàn niêm yết. Dòng tiền vào yếu và từ chối các nhịp tăng giá thể hiện kỳ vọng rằng cơ hội mua tốt hơn sẽ đến. Thanh khoản hôm nay lớn nhất vẫn là các blue-chips như VHM, HPG, VPB, SSI. Ngoài ra thêm một số cổ phiếu midcap như VCG, DIG, VND, GEX.

Tuy thanh khoản có cải thiện nhưng blue-chips hôm nay không phải là các mã hấp dẫn nhất. Dòng tiền dồn vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, trong đó các mã bất động sản giao dịch nổi bật. Hàng chục cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh, thậm chí là kịch trần. VCG là ví dụ, hôm nay thanh khoản cao nhất lịch sử với 1.182 tỷ đồng và 24,4 triệu cổ. Lượng giao dịch này tương đương với 5,5% tổng khối lượng niêm yết.

Dòng tiền nếu thật sự đã quay lại thị trường thì điều cần tiếp theo là duy trì ổn định. Sức ép của đợt tái cơ cấu này là cuối cùng. Thị trường lúc này hoàn toàn có thể hướng tới những kỳ vọng gần hơn như kết quả kinh doanh quý 4.

Thanh khoản tăng mạnh nhờ giao dịch ETF, tiền đã quay lại

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

31.988 tỷ đồng (+27%)

1065,3 triệu (+20%)

3.833 tỷ đồng (+20%)

140,2 triệu (+21%)